Nghệ thuật quân sự của Napoleon Bonapac trong cuộc chiến tranh Pháp - Phổ năm 1806

Tớ nhớ cậu

Thành Viên
Nghệ thuật quân sự của Napoleon Bonapac trong cuộc chiến tranh Pháp - Phổ năm 1806

Mặc dù Napoleon Bonapac đã mất những với tư cách là một nhà quân sự, một nhà chính trị lừng danh của nước Pháp cận đại, ông đã để lại những dấu ấn to lớn đối với lịch sử loài người. Trong suốt cuộc đời hoạt động tại chiến trường Châu Âu, vết chiến xa của ông đã in khắp cả vùng lục địa Châu Âu, từ bán đảo Isberia đến sông Vistula, từ Địa Trung Hải đến biển Balitc. Sức ảnh hưởng ấy được ví với hình ảnh: “Nếu ông hắt hơi một cái, cũng đủ làm cho cả Âu Châu bị cảm lạnh” [10; tr.132]. Rõ ràng với tầm vóc to lớn ấy, những hoạt động thực tiễn quân sự của ông đã góp phần quan trọng vào sự hình thành và phát triển của bộ môn khoa học quân sự vào kho tàng khoa học quân sự sau này. Chính Napoleon Bonapac sinh thời cũng đã từng nói rằng: “Nếu có một ngày nào đó tôi có được một ít thời gian rảnh rỗi thì tôi sẽ viết một cuốn sách, kể lại một cách chuẩn xác nguyên tắc của chiến tranh, để cung cấp cho tất cả các binh sĩ. Như vậy chiến tranh sẽ dễ học như một ngành khoa học [8; tr.110]. Mặc dù mong muốn ấy không có điều kiện trở thành hiện thực nhưng với những gì ông để lại cho ngành quân sự đã đưa ông trở thành người xứng đáng với danh hiệu “ một bậc thầy chân chính về nghệ thuật quân sự”.

Chính điều đó thúc đẩy chúng ta cần thiết nên tìm hiểu về nghệ thuật quân sự mà ông đã để lại dấu ấn cho hậu thế. Nghệ thuật quân sự của Napoleon Bonapac trong cuộc chiến tranh Pháp – Phổ (1806) là một trong những ví dụ điển hình.
(còn tiếp)
 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:

Tớ nhớ cậu

Thành Viên
1. Khái quát về sự nghiệp và tài năng quân sự của Napoleon Bonapac

1.1 Khái quát sự nghiệp vĩ đại của Napoleon Bonapac


Ngày 15 tháng 8 năm 1769, Napoleon chào đời trong một gia đình quý tộc phá sản tại thành phố Ajaccio trên đảo Corsica của nước Pháp. Khi đứa trẻ ấy được người cha là Charles Bonapac vui mừng bế và chạy đến mời linh mục đặt tên cho đứa con trai thứ hai của mình. Vị linh mục đứng ngây nhìn đứa bé và thầm nghĩ: “Tiếng khóc của đứa bé dữ dội như tiếng gầm của một con sư tử đực, cầu xin chúa phù hộ cho đứa bé khác thường không chịu ra đời một cách lặng thầm này” [10; tr.7]. Người cha Charles Bonapac hiểu ý của linh mục và cũng để tưởng nhớ người em trai của mình là Napoleon đã hi sinh trong cuộc chiến, nên đã đặt tên cho đứa con trai thứ hai của mình là Napoleon, có nghĩa là “con sư tử hoang dã”, và cái tên ấy dường như đã dự báo trước một cuộc đời chắc chắn sẽ đầy vũ bão của đứa trẻ.


Đến 10 tuổi, cha ông đã phát hiện ra Napoleon có tính hiếu chiến và dũng cảm, có năng khiếu về quân sự nên đã đã đưa ông vào học tại trường dự bị sĩ quan Brienne. Kể từ đó, một ngưới thống trị tương lai của nước Pháp đã bắt đầu cho mình một cuộc sống quân nhân. Ông học rất chuyên cần, giữ kỷ luật tốt. Thành tích học tập của ông đều thuộc loại ưu tú, nhất là môn toán, ông là người có thành tích cao trong nhất trong lớp học nên được các thầy dạy hết sức tán thưởng. Năm 1789, nhân dân Pari đánh chiếm ngục Baxti, cuộc cách mạng tư sản nước Pháp bắt đầu bùng nổ. “Thời loạn sinh anh hùng”, trong cuộc đọ sức giữa hai chế độ mới và cũ này, đã xuất hiện nhiều những nhà cách mạng. Viên trung úy pháo binh vừa tròn 20 tuổi, ôm ấp trong mình nhiều hoài bão mãnh liệt về lý tưởng trị quốc và muốn vượt lên trên tất cả mọi người, ông đã dẫn thân vào dòng thác của cuộc đại cách mạng tư sản Pháp. Napoleon trực tiếp lãnh đạo trận chiến đánh thành Toulon và đã giành thắng lợi vang dội. Cũng chính chiến thắng này đã trở thành mốc khởi đầu cho sự thăng hoa trong sự nghiệp của Napoleon sau này.

Sự thật, điều đó đã diễn ra. Napoleon lên nắm quyền lực nhanh đến mức khó có thể tượng tượng nổi. Trước trận bao vây thành Tulon tháng 8 năm 1793, Napoleon chỉ là một viên sĩ quan nhỏ không phải sinh ra ở Pháp, mới 24 tuổi, không có tiếng tăm gì. Nhưng không đầy 6 năm sau, ở tuổi 30, Napoleon là người thống trị nước Pháp trong suốt 14 năm.

Vậy điều gì đã làm nên điều không tưởng ấy, liệu rằng đó có phải là phép màu giành cho “chàng trai lùn đảo Corsica” thường vẫn bị mọi người chê cười bởi chiều cao và giọng nói địa phương của mình. Tất cả điều đó không phải là sự may mắn mà ông được nhận từ thượng đế mà do chính tài năng đã giúp ông thực hiện được điều đáng kinh ngạc ấy. Bước đệm đưa ông tiến nhanh lên vị trí cao nhất của chính trị nước Pháp bên cạnh tài năng chính trị thì nhân tố quan trọng hơn hết đó chính là tài năng quân sự của Napoleon.

1.2 Khái quát tài năng quân sự của Napoleon


Tài năng quân sự của Napoleon được bộc lộ ngay từ rất sớm. Ngay từ khi còn nhỏ, Napoleon thường cùng anh trai và những đứa bạn nhỏ chơi trò chơi đánh trận giả mà Napoleon luôn là người đứng ra tổ chức trò chơi. Bao giờ cậu bé cũng đóng vai tướng chỉ huy của bên yếu hơn và kết thúc trận chiến, phần thắng bao giờ cũng thuộc về cậu. Cậu thường hay nói với những bạn nhỏ của mình rằng: “Lớn lên mình nhất định trở thành sĩ quan chỉ huy” [10; tr.12].

Sự thực, sự nghiệp của Napoleon còn vượt xa niềm mong ước của cậu bé lúc đó. Cũng chính nhờ tài năng quân sự đã đưa Napoleon lên vị trí cao nhất của nước Pháp thời cận đại. Trong thời đại của cuộc cách mạng tư sản Pháp, Napoleon đã thể hiện bản lĩnh trí tuệ của một thiên tài quân sự trong trận đánh thành Toulon năm 1793. Toulon là thành phố quan trọng ở miền Nam nước Pháp. Phe Bảo Hoàng ngang nhiên đưa đứa con trai 8 tuổi của vua Louis 16 trở thành vua Louis 17, khôi phục ngai vàng vương triều Bourbon ở Toulon. Phái Giacobanh đang nắm chính quyền muốn dồn hết binh lực giải quyết thành Toulon nhưng đều thất bại. Napoleon được thăng hàm thượng úy và được cử ra mặt trận Toulon trong trong tình thế như vậy. Sau một thời gian xem xét tình hình, Napoleon đã đưa ra kế hoạch tác chiến: vây thành và đánh chi viện. Đưa đại bác cỡ lớn, bắn cập tấp vào các chiến hạm của Anh đang đậu ở cảng Toulon, bịt kín đường thoát ra khỏi cảng. Dưới sức dồn dập mạnh mẽ của đạn hỏa pháo, bắt buộc quân Anh phải bỏ thành để bảo toàn lực lượng. Như vậy việc phá rối hạm đội Anh, đuổi chúng đi và như vậy việc giải quyết phe bảo hoàng theo vua trong nội thành Toulon sẽ trở nên dễ dàng hơn rất nhiều [10; tr.30]. Chính kế hoạch tác chiến đó đã đưa đến chiến thắng vang dội của thành Toulon, đồng thời là bước khởi đầu tạo đà cho sự nghiệp của Napoleon sau này.

Tài năng quân sự của Napoleon tiếp tục được đánh dấu trong thời kỳ tồn tại của chế độ Đốc Chính (1794- 1799) với các chiến thắng huy hoàng như thắng lợi của cuộc viễn chinh đánh quân Ý năm 1796. Bằng kế hoạch đánh vào khâu yếu nhất trong phòng tuyến quân sự của quân Ý, chỉ trong vòng một tuần lễ giao chiến quân Áo đã tổn thất lên đến 28 ngàn quân. Ngày 9 tháng 4 năm 1796, ông chỉ huy 4 vạn quân viễn chinh vượt qua dãy núi Alps đầy hiểm trở, tiến vào đất Ý, áp dụng chiến thuật tập trung binh lực với ưu thế về số lượng nhằm tiến hành chia cắt, bao vây, đánh bại từng nhóm, truy kích tận diệt cho nên chỉ trong vòng nửa tháng, qua sáu trận đánh ông đều thắng lợi cả sáu, buộc quốc vương Sardinia phải cắt đất cầu hòa [8; tr.117-118].
Sau cuộc đảo chính ngày 18 tháng Sương mù (ngày 19 tháng 11 năm 1799), Napoleon thiết lập chế độ Thủ Lĩnh sau đó tự xưng là hoàng đế, thiết lập nên đế chế thứ nhất (1804-1815). Trong khoảng thời gian đầu (1804- 1807), nhờ quân đội Pháp được rèn luyện trong quá trình cách mạng, cộng với tài năng quân sự của bản thân, Napoleon đã đánh bại liên tiếp 5 liên minh chống Pháp qua các trận đánh và những chiến dịch vang dội.

Trong những chiến thắng huy hoàng ấy thì trận đánh quân Phổ năm 1806 là một trong những trận đánh tiêu biểu trong cuộc đời binh nghiệp của Napoleon, là trận đánh đưa quyền lực của Napoleon phát triển lên tới đỉnh cao hơn bao giờ hết. Đánh bại một trong bốn nước đế quốc lớn mạnh nhất thế giới lúc bấy giờ chỉ bằng trận đánh kéo dài 14 ngày. Chiến thắng ấy đã làm cho cả Châu Âu rung chuyển. Làm nên chiến công vang dội đó, tất cả đều dựa vào tài năng khối óc và sự lãnh đạo tài tình của Napoleon.

2. Nghệ thuật quân sự của Napoleon trong cuộc chiến tranh Pháp –Phổ (1806)

Trên con đường võ nghiệp dai dẳng và đầy chiến thắng của mình, trước kia cũng như sau này, chưa bao giờ quyền lực của
Napoleon lại đạt đến đỉnh cao như mùa thu năm 1806, và về sau không bao giờ còn thấy nữa. Trong một tháng từ lúc bắt đầu chiến tranh (ngày 8 tháng 10) đến ngày pháo đài Matdobua đầu hàng (ngày 8 tháng 11), Napoleon đã hoàn toàn đánh bại một trong bốn cường quốc lớn ở Châu Âu vào hồi bấy giờ mà chính Napoleon chưa bao giờ dám khinh thường. Đây cũng là lần đầu tiên Napoleon nhận thấy được sự hỗn loạn, sự hoảng hốt của chính phủ và các tướng lĩnh Phổ, đầu hàng ngay sau những phát súng đầu tiên. Điều đó đem lại ngạc nhiên lớn đối với Napoleon. Trong quá trình chinh chiến của mình Napoleon đã gặp phải sự kháng cự của quân Ai Cập, quân Áo cũng đã kháng cự, quân Nga bại trận những cũng đã dũng cảm tuyệt vời và ở trận Austerlitz, Napoleon đã phải ca ngợi tinh thần quyết chiến của một số đơn vị Nga. Trong khi đó, một đội quân tự hào về những truyền thống của Phri-drich đệ nhị, một nước thừa hưởng một tổ chức cai trị hoàn hảo nhất và nhân dân có trình độ không thua kém một nước nào ở Châu Âu hồi đấy, nhưng cuối cùng đã phải khuất phục. Toàn bộ Châu Âu sững sờ, kinh ngạc và sợ hãi, trong khi đó những quốc gia Đức –nước nào nước ấy đang vội vã đệ lên Napoleon những lời cam kết hoàn toàn thuần phục [1; tr.263].

2.1 Bối cảnh lịch sử

a. Nguyên nhân sâu xa

Ngày 9 tháng Tecmido (27 tháng 7 năm 1794), đánh dấu sự chấm dứt của thời kỳ đỉnh cao của cách mạng tư sản Pháp, chính quyền cách mạng thuộc về tay tư sản Tecmido, thiết lập nên chính quyền Đốc Chính. Tuy nhiên những chính sách phản động của chính quyền Đốc Chính đã gây mất uy tín trong việc lập lại trật tự xã hội. Do đó trước ảnh hưởng của phong trào đấu tranh của quần chúng nhân dân và lo sợ trước sự phục hồi của vương triều Bourbon, giai cấp tư sản Pháp muốn xây dựng một chính quyền mới mạnh mẽ theo kiểu độc tài Cromoen ở nước Anh. Trong bối cảnh lịch sử đó, Napoleon Bonapac đã được giai cấp tư sản lựa chọn làm người nắm chính quyền. Dường như điều đó đã mở đường tạo điều kiện để ông thực hiện tham vọng của mình.

Năm 1799, Napoleon tiến hành cuộc đảo chính và tự phong mình trở thành vị tổng tài thứ nhất, năm năm sau đó Thượng viện Pháp tuyên xưng ông trở thành vị hoàng đế Pháp, mở ra thời kỳ mới cho lịch sử nước Pháp - thời kỳ với những tham vọng bá chủ châu Âu và thế giới bằng các cuộc chiến tranh quân sự của vị hoàng đế đầy tài năng và quyền lực này. Thật vậy, trong những năm đầu thế kỷ XIX, đệ nhất đế chế Pháp dưới quyền của Napoleon đã tham gia hàng loạt các xung đột - những cuộc chiến tranh Napoleon - lôi kéo các nước lớn Châu Âu tham gia. Đánh bại nước Phổ là một trong những bước đi quan trọng để thực hiện tham vọng đó.

Trong khi đó, các chiến thắng đánh bại quân Áo, Ý, Thổ càng giúp Napoleon củng cố quyền lực của đế chế Pháp ở Châu Âu. Tuy nhiên, những thắng lợi luôn bị đe dọa bởi các cường quốc lớn như Anh, Nga, Phổ…

Trên thực tế, các nước này đã thành lập các liên minh quân sự ngay từ thời kỳ cách mạng Pháp còn đang diễn ra, như liên minh chống Pháp lần thứ nhất (1792- 1797) đứng đầu là liên minh Áo- Phổ, Liên minh chống Pháp lần thứ hai (1798- 1803) gồm những nước Anh, Áo, Ý, Nga, Thổ, Hà Lan, Thụy Điển nhằm chống lại sự phát triển của cuộc cách mạng tư sản của nước Pháp [5; tr.33-34].

Sau khi Napoleon trở thành vị tổng tài thứ nhất, sau đó lên ngôi hàng đế và những cuộc chiến tranh do Napoleon tiến hành đã thực sự làm thay đổi tính chất của thời chiến tranh cách mạng, nhằm mục đích giành thị trường mới, xác lập bá quyền của Pháp về công thương nghiệp, chính trị, quân sự ở châu Âu [5; tr.35]. Cũng từ đó Liên minh chống Pháp lần thứ ba được thành lập nhằm đánh bại Napoleon và đế chế Pháp, đồng thời nhằm thực hiện những lợi ích dân tộc riêng rẽ.

b. Nguyên nhân trực tiếp

Sau khi đánh bại liên minh chống Pháp lần thứ ba, thế lực của Napoleon không ngừng được mở rộng ở Châu Âu. Ngày 12 tháng 7 năm 1806, Napoleon thành lập Liên bang sông Rhein bao gồm các bang trong Đế quốc La Mã thần thánh và Đức, các bang nhỏ thì tiến hành sáp nhập vào đất công tước hoặc các vùng đất lớn hơn. Các nước lo ngại về quyền lực của Pháp ngày càng củng cố, đặc biệt nước Phổ không chấp nhận ưu thế của Pháp bành trướng đến tận cửa ngõ của mình.

Rò ràng “Đối với thái độ hùng hổ đe dọa của Napoleon, các cường quốc ở Châu Âu tất nhiên là không thể nhịn” [8; tr.127]. Mùa thu năm 1806, các nước Anh, Nga, Phổ và Thụy Điển tổ chức liên minh lần thứ tư. Lực lượng tiên phong mũi nhọn chống Pháp lần này là nước Phổ chưa từng đánh nhau với Pháp. Về phía Pháp, việc đánh bại liên minh thần thánh này sẽ tạo điều kiện cho Napoleon tiếp tục mở rộng phạm vi quyền lực của mình, tạo thành bệ đỡ quan trọng để thực hiện tham vọng bá chủ lục địa Châu Âu.
Như vậy trận chiến đánh quân Phổ năm 1806 nằm trong kế hoạch chiến tranh với liên minh thần thành lần thứ tư của Napoleon.

2.2 Nghệ thuật quân sự của Napoleon trong chiến dịch đánh quân Phổ năm 1806

Thứ nhất: lợi dụng sự chủ quan của kẻ thù

Vua nước Phổ là Wilhelm III mở cuộc hội họp quân sự ở thủ đô Berlin, tuyên bố tổng động viên toàn nước Phổ, sẽ đánh một trận sống mái với quân Pháp trong cuộc chiến tranh này. Bộ binh nước Phổ được coi là đội quân có sức mạnh chiến đấu cao, các tướng lĩnh nước Phổ đã say sưa trong niềm vui chiến thắng vì nước Phổ có Anh cung cấp phần lớn các chi phí quân sự, có nước Ngà sẵn sàng giúp sức, khí thế quân Phổ lên cao. Khi thế ấy còn được tăng lên bởi những bọn sĩ quan, tướng lĩnh, bọn quý tộc thượng lưu với sự tự phụ huyênh hoang rằng chúng sẽ cho tay “chàng lùn đảo Corsica” một bài học nhớ đời. Bọn chúng còn tự đắc hỏi rằng: “cho tới nay, Napoleon đã chiến thắng được những ai? Quân Áo ư? Chẳng qua đó là một bầy hèn nhát đủ các chủng tộc... Hay quân Nga cũng mọi rợ...Dễ thường cái vinh quang của Napoleon sẽ không bị tan thành mây khói khi chạm trán với quân đội của Phridich đệ nhị sao?” [1; tr.253-254]. Bọn chúng còn tin rồi đây, ngay sau khi quân đội Phổ đánh bại được Napoleon bằng một đòn táo bạo thì bọn bảo hoàng sẽ nổi dậy ở hậu phương và sẽ nhân danh dòng họ Bourbon mà lật đổ Napoleon [1; tr. 254].

Rõ ràng những lời nói ấy thể hiện khí thế mạnh mẽ nhưng đầy sự chủ quan của quân Phổ khi đối đầu với với quân đội tràn đầy nhuệ khí của nước Pháp và tài năng quân sự của Napoleon. Bọn chúng đã không quan tâm đến lời dự báo của William Pitt II trước khi chết. Ông đã gọi người nhà lấy tấm bản đồ Châu Âu treo trên tường xuống và nói rằng: “cuốn nó lại, 10 năm nữa sẽ không cần đến nó” [8; tr.126] để ám chỉ rằng rồi mai đây, không bao lâu nữa, vị hoàng đế mà quân Phổ vẫn huyênh hoang khinh thường kia sẽ làm một việc đáng kinh ngạc đối với toàn thể Châu Âu, đó là việc tự do vẽ lại bản đồ Châu Âu theo ý muốn của mình.

Một sai lầm nữa của quân Phổ khi đối đầu với quân đội của Napoleon đó chính là sự chủ quan về sức mạnh quân đội. Quân đội Phổ phản ánh trung thực tất cả cơ cấu tổ chức của một một quốc gia xây dựng trên chế độ nông nô. Binh lính là những người nông nô dù phải chiến đấu hết sức vất vả nhưng số phận của họ không thay đổi được. Trong khi đó điều kiện duy nhất để trở thành sĩ quan là phải thuộc dòng dõi quý tộc và một trong số bọn chúng thường tự phụ về sự khắc nghiệt đối với binh lính, vì bọn chúng coi đó là cơ sở chân chính của kỷ luật. Mặt khác, một sĩ quan chỉ lên tới cấp tướng khi nào đã gần về già, nếu không thì phải có sự nâng đỡ hoặc phải dựa vào tiếng tăm đòng dõi của mình. Đến tận giữa thế kỷ XVIII, những tập quán của chế độ cũ vẫn tồn tại trong quân đội Phổ.

Ngày 14 tháng 10 năm 1806, vua Phổ Wilhelm III khi cổ vũ tinh thần binh lính đã từng nói rằng: “Quân đội Phổ của chúng ta là quân đội hùng mạnh nhất thế giới, thắng lợi ở ngay trước mắt chúng ta, hãy tiến lên, các con của ta” [10; tr.130].
Những lời nói đầy vẻ tự tin và khích lệ của vua nước Phổ vẫn không thể che dấu những hạn chế của quân đội này. Quân Phổ nổi tiếng khắp Châu Âu về kỷ luật nghiêm khắc chặt chẽ nhưng đó là chuyện của ngày trước. Còn quân đội Phổ ngày nay là những tướng lĩnh đánh thuê của bọn vua quan phong kiến, ra trận với đội hình và bố trận cũ kỹ, khi đánh nhau, tất cả bộ binh xếp thành ba tuyến, vận động tiến lên tác chiến phải giữ nguyên đội hình hàng ngũ chỉnh tế, không có chút cơ động và linh hoạt nào. “kiểu đánh cứng ngắc đó chỉ có thể áp dụng trên trận địa bằng phẳng, dàn hàng ngang chỉnh tề tiến lên, nó không thay đổi đội hình cho phù hợp với từng tình huống cụ thể” [10; tr.130].

Napoleon đã nhanh chóng nhận ra điều đó. Khi đứng trên tuyến đầu trận địa quan sát quân Phổ, ông đã nói với vị tham mưu trưởng: “Nếu quân Phổ ở trên quảng trường duyệt binh thì thì họ là một quân đội hết sức oai phong hùng mạnh, còn ở chiến trường, họ không chịu đòn nổi” [10; 130].

Thứ hai: Chuẩn bị chu đáo cho kế hoạch tác chiến

Sự chủ quan của quân Phổ dường như đã tạo nên lợi thế lớn cho nước Pháp và Napoleon đã nắm lấy lợi thế đó. Trong khi các tướng lĩnh quân Phổ đang mải mê về sức mạnh viện trợ từ các nước trong liên minh thì Napoleon đã tích cực tìm nguồn bổ sung viện trợ không chỉ từ nước Pháp, mà còn từ nhiều nước lớn và giàu có khác đã quy phục.
Trong khi Napoleon có những nhận xét về điểm yếu trong đội hình tác chiến của quân Phổ thì đối với quân đội của mình, ông đã chỉ rõ: “ Binh sĩ sẽ là những sinh mạng có lý tưởng chứ không phải là những cỗ máy mà người ta muốn tùy ý đặt đâu thì đặt. Vì vậy chúng ta phải từ bỏ lối bố trí đội hình tác chiến cũ, tạo ra một đội hình thích ứng với yêu cầu tấn công. Đội ngũ của chúng ta vừa phải dàn thành một tuyến hàng ngang, vừa phải đánh nhau bằng các cánh quân và những đội hình phân tán dàn đều ra. Đội quân phải nắm chắc nhiệm vụ và dựa vào địa hình, linh hoạt cơ động, tạo điều kiện cho chúng ta tập trung binh lực hơn để từng đơn vị đánh thắng địch. Chúng ta sẽ làm cho toàn thế giới thấy rằng, đội hình tác chiến mới tất sẽ thắng đội hình tác chiến cũ. Tôi tràn đầy lòng tin vào việc đó” [10; tr.130].

Bên cạnh sự chuẩn bị chu đáo về vật chất cũng như đội hình quân đội, Napoleon còn chủ trương khích lệ tinh thần dân tộc trong quân đội Pháp. Napoleon đã nói với các tướng lĩnh thân cận của ông rằng: “Nước Phổ đã ra lời khiêu chiến với chúng ta, vậy chúng ta chỉ có cách phải ứng chiến. Chúng ta chỉ có cách là đánh cho chúng quy hàng vâng dạ” [10; tr.128]. Đồng thời Napoleon khẳng định niềm tin vào chiến thắng đối với quân Phổ: trận đánh này sẽ nộp toàn bộ nước Phổ cho quân đội Pháp.
Và cũng như thường lệ, hoàng đế cũng giải thích cho binh lính nghe kế hoạch tác chiến của mình. Việc làm đó dường như là một phần trong nghệ thuật quân sự của Napoelon vì trước bất kỳ một chiến dịch nào.

Thứ ba: Mở các cuộc tiến công nhanh, tạo nên đòn đánh quyết định

Một trong những đặc trưng của chiến tranh Napoleon thời cận đại là sự xuất hiện của các liên minh thần thánh chống Pháp. Kể từ thời điểm cách mạng Pháp nổ ra tới năm 1806 đã hình thành bốn liên minh quân sự bao gồm các cường quốc lớn của Châu Âu lúc bấy giờ. Khi Napoleon lên ngôi hoàng đế và thiết lập đế chế Pháp với âm mưu tiến hành các cuộc chiến tranh xâm lược nhằm thực
hiện quyền bá chủ thế giới; thì cũng là lúc các cường quốc nhận thức rõ hơn bao giờ hết sự cần thiết phải thành lập liên minh quân sự giữa các cường quốc lớn có sức mạnh về kinh tế như Anh, sức mạnh quân sự như Nga…vì các nước này hiểu rõ đơn phương một nước không thể chống lại một đế chế Pháp hùng mạnh lúc bấy giờ. Khi khối liên minh quân sự lần thứ tư hình thành, quân Phổ là nước tiên phong tham chiến chống lại Napoleon, mặc dù chưa từng đánh nhau với quân Pháp nhưng quân Phổ tỏ ra khá tự tin với thái độ hung hăng vì họ tin tưởng vào sức mạnh viện trợ của Anh và Nga, có thể đánh bại hoàn toàn quân Pháp.

Napoleon với sự phân tích nhạy bén đã nhanh chóng nhận ra được điểm mạnh, điểm yếu của kẻ thù. Điểm mạnh của quân Phổ là có thể dựa vào sức mạnh to lớn của các nước đồng minh với Phổ, còn điểm yếu chính là sự lạc hậu trong kế hoạch tác chiến trong đội hình quân Phổ. Để đánh bại quân Phổ cần cắt đứt sức mạnh viện trợ của Phổ từ các nước đồng minh. Do đó, Napoleon quyết định thực hiện những đòn tấn công nhanh mang tính quyết định nhằm tiêu diệt gọn quân Phổ trước khi có sự chi viện của quân Nga cho Phổ. Kế hoạch trên được tiến hành bằng trận Jena - Auerstadt nổi tiếng cùng ngày 14 tháng 10 năm 1806.

Dưới sự chỉ huy của Napoleon, quân Pháp chia thành ba cánh quân song song, mỗi cánh quân bao gồm 50 ngàn quân sĩ, các cánh quân vận động trong khoảng cách có thể hỗ trợ chi viện cho nhau. Ngày mùng 8 tháng 10 năm 1806, quân Pháp tiến vào vùng đất Sachsen đồng minh của Phổ.

Ngày 14 tháng 10 năm 1806, dưới sự chi huy của Napoleon, quân Pháp từ hai cánh mở gọng kìm bao vây quân Phổ, pháo binh phối hợp chặt chẽ với bộ binh nhanh chóng chiếm ưu thế trên chiến trường. Hai bên đánh nhau trong suốt một ngày trời, nhưng quân Phổ dù cố gắng đến đâu cũng không thể cứu vãn được tình hình. Đến tối ngày 14 tháng 10, quân Phổ bị đánh tan tành toàn tuyến [10; tr.131].

Trận Jena nổi tiếng trong lịch sử đã trở thành đòn đánh phủ đầu đem lại hậu quả nặng nề cho quân Phổ về sau. Sau thất bại trong trận Jena, quân Phổ vừa rút lui vừa ngoan cường chống cự. Nhưng dưới tài nghệ chỉ huy các quân đoàn tinh nhuệ, Napoleon đã thực hiện kế hoạch từng điểm một. Khi quân Phổ thất trận và bắt đầu chạy trốn thì liền bị truy kích bởi đội quân tinh nhuệ của Pháp. Tàn quân Phổ vội vã chạy về hướng Vaima và bị kị binh của Muyra tiến hành truy kích vào tận trong thành phố. Đến đây quân Phổ phải gánh chịu những hậu quả nặng nề nhất. Hohenlohe - tướng Phổ - lẩn tránh trong đám tàn quân đã tìm cách chạy về Naumobua vì ông ta cho rằng ở đó binh đoàn chủ lực - lực lượng duy nhất mà từ nay trở đi người ta có thể trông cậy, do công tước Brunxvich chỉ huy.

Tuy nhiên cùng ngày hôm đó, 26 ngàn quân Pháp dưới sự chỉ huy của tướng Davout đã đánh bại 70 ngàn quân Phổ dưới sự chỉ huy của công tước nguyên soái Brunswick tại Auerstadt [10; tr.131].

Sau hai trận đánh Jena – Auerstadt, quân Phổ bị chết 25.000 người, 150.000 người bị bắt làm tù binh, Pháp tịch thu 100.000 súng trường và 4.000 súng đại bác. Ngày 27 tháng 10 năm 1806, Napoleon tiến vào Berlin. Tính chung Napoleon chỉ mất 19 ngày, từ khi bắt đầu trận chiến tới khi vào Berlin. Sau thất bại này, Phổ ký hiệp ước đình chiến tại Charlottenburg (Berlin).

Etacle đánh giá về trận đánh phủ đầu này như sau: “Ở Châu Âu, ngay trong số những kẻ địch tồi nhất của nước Phổ, chẳng ai ngờ được rằng sự việc lại kết thúc nhanh chóng đến thế, chỉ sau sáu ngày sau khi Napoleon bước vào chiến đấu. Khi bên bại trận truyền cho nhau nghe cái tin là đã bị mất hết và quân đội không còn thì sự kinh khủng cực độ và chưa từng có xâm chiếm lấy họ” [11; tr.258].

Thứ tư: Mở những cuộc truy kích liên tiếp nhằm đánh bại ý chí của kẻ thù

Muốn đánh bại được quân thù phải đánh bại được ý chí của kẻ thù. Trận chiến liên tiếp trong ngày 14 tháng 10 khiến cho quân Phổ gặp thất bại nặng nề và mất tinh thần cực độ song lúc này quân Phổ đang tiến hành rút chạy về trung tâm thủ đô Berlin nhằm cứu nguy cho tàn quân và cũng nhằm củng cố lực lượng cho cố gắng chống trả về sau. Nhưng sau đó hai tuần, quân Pháp lại tiến hành đánh chiếm Berlin. Quốc vương Wilhelm III vội vàng bỏ trốn lên vùng biên giới tây bắc.

Trong các tàn quân chạy trốn chỉ còn lại đội quân của tướng Bluy – khe. Đây là viên tướng Phổ kiên quyết nhất trong trận chiến đầu này, đã tập hợp được khoảng 20000 vừa sĩ quan và binh lính các đơn vị tan rã, sau đó chạy lên phía Bắc nhằm tránh sự truy kích của quân đội Pháp. Đến Lu- bếch, sát biên giới nước Đan Mạch nhưng nước Đan Mạch vì lo sợ trước sức mạnh của Napoleon nên kiên quyết không cấm quân Phổ không được đặt chân lên lãnh thổ của họ. Tình thế đó đã quyết định số phận của tàn quân Phổ. Ngày 7 tháng 11 năm 1806, quân Pháp vào tới Lu- bếch và tiến công vào quân đoàn của Bluy- khe ở ngay trong thành phố. Cuộc chiến diễn ra ác liệt, nhưng sau đó quân Phổ dưới sự chỉ huy của Bluy- khe đã đầu hàng, đánh dấu sự thất bại của tàn quân Phổ cuối cùng.

Đồng thời với việc tiêu diệt tàn quân Pháp thì Napoleon đã lợi dụng sự rối loạn cực độ trong hàng ngũ kẻ thù, tiến hành đánh sập sự kháng cự cuối cùng của Phổ trên pháo đài Magdeburg, pháo đài duy nhất chưa đầu hàng, là pháo đài kiên cố vào loại bậc nhất và đồng thời cũng là trung tâm mua bán trù phú. Ở đây tập trung nhiều kho lương thực và đạn dược lớn, trong thành sở hữu lực lượng đồn trú quan trọng: 22000 người được trang bị đầy đủ, đặt dưới sự chỉ huy của tướng Clai. Sau khi Buy – khe đầu hàng, 22000 quân và pháo đài Magdeburg là vị trí còn sót lại của lực lượng vũ trang Phổ. Điều đó đồng nghĩa với việc đây là hi vọng cuối cùng của quân Pháp và nếu Pháp đánh bại thì cũng là dấu mốc đánh dấu sự thất bại hoàn toàn của quân Phổ.

Quân đội Pháp dưới sự chỉ huy của thống chế Nây đã tiến sát chân thành. Quân Pháp tin chắc vào chiến thắng tại pháo đài Magdeburg nên thống chế Nây không mang theo pháo mà chỉ mang vài ba khẩu sung cối dã chiến. Nây kêu gọi tướng Clai- trấn thủ trong thành đầu hàng. Thấy đối phương từ chối, thống chế Nây ra lệnh phát hỏa, mặc dù mấy khẩu súng cối dã chiến không đủ sức gây hư hại cho pháo đài nhưng đó lại là hồi chuông báo tử của quân Phổ. Quân Phổ sau những thất bại liên tiếp đã khiến cho quân sĩ trong pháo đài mất tinh thần cực độ và tiếng súng của cối dã chiến đã đè bẹp hoàn toàn ý chí thiện chiến và hung hăng của quân Phổ. Ngày 8 tháng 11 năm 1806, tướng Clai đầu hàng cùng với toàn bộ thành quách. Về sau, bại tướng Clai giải thích về hành động ấy rằng: bởi dân chúng khiếp đảm vì súng cối của quân Pháp, đã cầu xin Clai, với tư cách là người chỉ huy thành, cần phải sớm đầu hàng. Thể theo ý muốn đó, Clai đã đầu hàng [1; tr.261]. Nhưng đó chỉ là sự ngụy biện cho sự thất bại nhục nhã của quân Phổ mà thôi.

Thứ năm: Nghệ thuật kết thúc chiến tranh

Không chỉ đánh bại ý chí của quân Phổ trên chiến trường quân sự, Napoleon còn hoàn toàn sức mạnh và lòng tự tôn của nước Phổ bằng thắng lợi ngoại giao thông qua “Hòa ước Tilsit”.

Cuộc chiến tranh năm 1806 đã đánh bại hoàn toàn ý chí chiến đấu của quân Phổ nhưng đứng sau nước Phổ bại trận là cả một liên minh hùng mạnh, đặc biệt đó là quân Anh và quân Nga. Hai nước này trước sự thất bại của quân Phổ và “chính sách phong tỏa lục địa” của Napoleon đã bắt đầu có những hành động phản công quân Pháp nhằm cứu nguy cho nước Anh, cứu nguy cho liên minh thứ tư, và cứu vãn tình hình nước Phổ. Nước Anh yêu cầu quân Nga đem quân sang cứu nước Phổ để có thể thực hiện mục đích trên. Chấp nhận yêu cầu trên, Sa hoàng Alexandre đã tổ chức đội quân 100 ngàn người sửa soạn đọ sức với Pháp. Rõ ràng, đứng trước tình thế đó, Napoleon cần tới một biện pháp quyết liệt hơn nữa để có thể đập tan liên minh thứ tư, đồng thời qua đó tạo nên đòn đánh quyết định đánh bại ý chí xâm lược cũng như dập tắt khả năng phục hồi của quân Phổ.

Và Napoleon đã thực hiện được điều đó. Với sự thất bại của quân đội Sa hoàng Alexandre, ngày 8 tháng 7 năm 1807, hai nước Pháp - Nga ký kết “Hòa ước Tilsit”.
“Hòa ước Tilsit” giữa Pháp và Nga được ký kết trên chủ quyền, danh dự và lòng tự tôn của nước Phổ. Đó là điều sỉ nhục của nước Phổ trước thất bại thảm hại trước sức mạnh của quân Pháp và tài năng quân sự của Napoloen. Trái ngược lại với thái độ huyênh hoang của quân Phổ muốn cho “chàng lùn đảo Corsica” một bài học nhớ đời nhưng Napoleon đã buộc quân Phổ phải trả giá cho thái độ huyênh hoang ấy bằng cái giá quá đắt.

2.3 Ý nghĩa của cuộc chiến tranh Pháp- Phổ năm 1806 đối với vị thế nước Pháp cận đại và cuộc đời binh nghiệp của Napoleon Bonapac

2.3.1 Đối với vị thế của nước Pháp thời cận đại


Với chiến thắng Pháp – Phổ năm 1806, nước Pháp đã cô lập được sức mạnh của liên minh lần thứ tư, tạo điều kiện tiến tới phá vỡ hoàn toàn khối liên minh này nhằm giữ vững và củng cố vị thế của nước Pháp ở lục địa Châu Âu.
Năm 1804 Napoleon lên ngôi hoàng đế, thiết lập nên đế chế Pháp lần thứ nhất, mở ra thời kỳ mới trong lịch sử nước Pháp – thời kỳ của những cuộc chiến tranh thôn tính các nước yếu hơn và tiến hành kìm hãm sức mạnh của các nước lớn nhằm thực hiện tham vọng chinh phục Châu Âu. Do đó tiến hành cuộc chiến tranh chống lại các liên minh Châu Âu, trong đó có liên minh lần thứ tư là một trong những biện pháp quân sự nhằm đưa nước Pháp thực hiện mưu đồ trên.
Liên minh lần thứ tư được thành lập là sự tổng hợp sức mạnh liên minh cả về kinh tế và quân sự. Về kinh tế đó là sự chi viện về tài chính và vũ khí đến từ nước Anh giàu có; về quân sự đó là sức mạnh quân đội của Nga với danh hiệu “Sen đầm quốc tế”, sức mạnh thiện chiến và hung hăng của quân đội Phổ. Với tất cả điều đó người ta tin tưởng vào thắng lợi đối với Napoleon và nước Pháp Đại đế. Chính nước Phổ tuy chưa một lần đánh nhau với Pháp nhưng cũng lớn tiếng nhận xét rằng: sẽ cho “chàng lùn đảo Corsica” một bài học thích đáng. Nhưng sự thật đã không diễn ra như vậy. Chiến thắng nhanh chóng của quân Pháp dưới sự chỉ huy của Napoleon đã đập tan hoàn toàn sức mạnh của quân Phổ. Thắng lợi đó làm cho cả Châu Âu dung chuyển. Và sự rung chuyển đầu tiên ấy tất nhiên thuộc về các nước đồng minh với Phổ trong liên minh thứ tư. Các cường quốc ngỡ ngàng về sự thất bại nhanh chóng của quân Phổ. Và chính sự thất bại này đã ảnh hưởng không nhỏ đến sức mạnh của liên minh lần thứ tư, trong đó có Anh.

Rõ ràng nước Pháp từ lâu là đối thủ truyền kiếp của Anh. Nhưng Anh có lợi thế là cách xa Châu lục và có lực lượng hải quân mạnh, tạo ra sự răn đe nhất định đối với quân Pháp khi có ý định đánh trực tiếp vào nước Anh. Mặt khác một trong những liên minh quân sự của Anh trong thời kỳ này là Phổ, nằm ngay cạnh Pháp từ đó giúp Anh tạo ra một sự uy hiếp không nhỏ ngay cạnh biên giới nước Pháp. Nhưng tình hình đã thay đổi khi Pháp nhanh chóng đánh bại Phổ trong cuộc chiến tranh năm 1806. Điều đó có nghĩa Anh mất đi một sức mạnh quan trọng để có thể đối đầu với Pháp tại lục địa Châu Âu. Chính khó khăn trên đã tạo điều kiện thuận lợi lớn cho Pháp. Chính vì vậy mà sau chiến thắng quân Phổ, Napoleon nhanh chóng ban hành “sắc lệnh phong tỏa lục địa”, nhằm tạo ra đòn đánh chí mạng nguy hiểm hơn gấp nhiều lần khi tiến hành đánh trực tiếp vào nước Anh, bởi lẽ Anh là một quốc đảo, có quan hệ chằng chịt với lục địa Châu Âu về kinh tế và quân sự. Việc phong tỏa kinh tế lâu dài sẽ làm cho nền kinh tế Anh bị tê liệt, sụp đổ. Ê tác lê sau này cũng đã nhận xét rằng: “Napoleon quyết định giáng cho kẻ thù chính của mình , nước Anh, một đòn sấm sét, và đòn ấy có thể thực hiện được sau khi đã chiến thắng nước Phổ” [1; tr.263].

Như vậy, có thể nói chiến thắng đánh bại quân Phổ đã tạo ra một trong những điều kiện thuận lợi để Pháp cô lập sức mạnh của nước Anh. Việc cô lập nước Anh sẽ mang lại tác động lớn đối với lợi ích của nước Pháp.
Trên cơ sở đó, chiến thắng này đã tạo điều kiện đưa nước Pháp tiên thêm một bước trên con đường thực hiện tham vọng bá chủ lục địa Châu Âu.

Năm 1799, cuộc đảo chính ngày 18 tháng Sương mù là mốc đánh dấu sự kết thúc thời kỳ cách mạng tư sản Pháp và thay thế đó là sự ra đời của chế độ độc tài quân sự với một tham vọng mới mà nước Pháp hướng tới: Tham vọng bá chủ lục địa Châu Âu.
Dưới sự lãnh đạo của một nhà chính trị lỗi lạc - quân sự tài ba Napoleon, nước Pháp dần xác lập được vị thế của mình, trở thành một trong bốn cường quốc hùng mạnh nhất Châu Âu thời cận đại. Tính đến năm 1805, nước Pháp đã thiết lập được ảnh hưởng của mình ở vương quốc Ý, vương quốc Hà Lan, vương quốc Bresse, Liên minh sông Rhein.
Đến năm 1806, với chiến thắng trong cuộc chiến tranh Pháp – Phổ, nước Pháp đã mở rộng quyền lực của mình ở lục địa Châu Âu. Tất cả vùng đất đai nước Phổ ở phía Tây sông Elbe đều cắt nhập vào vương quốc Westphalia mới thành lập thuộc Pháp. Pháp lập ra một nước do đại công tước đứng đầu, được gọi là đại công quốc Warsava nằm giữa nước Phổ và nước Nga nhằm kìm chế khả năng liên minh của hai nước này. Cũng chính từ thời điểm này, việc nước Pháp tạo dựng quyền lực và vị thế tương đối vững chắc đã tạo điều kiện cho việc thực hiện âm mưu thôn tính toàn bộ Châu Âu.

2.3.2 Đối với uy danh của Napoleon Bonapac

Trước chiến thắng thành Tulon, người ta biết đến Napoleon Bonapac với biệt danh “chàng lùn đảo Corsica”. Nhưng rồi sau đó cả Châu Âu phải nhắc đến Napoleon Bonapac với lòng kính phục của vị hoàng đế quyền lực nhất nước Pháp. Chính điều vĩ đại ấy đủ để cả nhân loại tìm hiểu về ông với những đánh giá sâu sắc.

Năm 1804, Napoleon đăng quang ngôi vị hoàng đế nước Pháp. Trong buổi lễ đăng quang Viện nguyên lão nước Pháp đã tuyên bố rằng : “Nếu con người đó được đưa lên, đứng trên tất cả mọi người, thì chắc chắn sẽ bảo vệ được quyền hưởng tự do cho mọi người, đồng thời phục tùng quyền chủ cao nhất của dân chúng – những người đã ủng hộ ông ta lên làm vua” [3; tr.358]. Và trên thực tế, trong thời gian trị vì của mình, Napoleon đã mang lại cho nước Pháp nhiều hơn những gì họ mong chờ ở ông.

Sau trận thảm bại của liên quân Nga – Áo trong chiến dịch Austerlitz đã làm cho William Pitt II cảm thấy vô cùng đau khổ, nằm liệt giường không thế gượng dậy nổi. Trong giờ phút hấp hối, ông bảo mọi người hãy lấy tấm bản đồ Châu Âu đang treo trên tường xuống nói qua giọng đau đớn: “Hãy cuốn nó lại đi nào! Từ nay tới mười năm sau cũng không cần tới nó nữa!” [8; tr.126].

Trên thực tế lới tiên đoán của William Pitt II về tham vọng, sức mạnh và tài năng của Napoleon quả không sai. Napoleon theo đã thắng lợi về mặt quân sự, tự ý vẽ lại bản đồ Châu Âu theo ý mình. Ngay từ sau tháng đầu năm 1805, Napoleon đã đổi nước cộng hòa Cisalpine thành vương quốc Ý và đổi nước cộng hòa Liguria được sáp nhập vào bản đồ của nước Pháp [8; tr.126 – 127].
Thắng lợi của chiến thắng Austerlitz đã đưa Napoleon đến danh hiệu “Danh tướng số 1 Châu Âu” [10; tr.137], đồng thời cũng đưa quyền lực của ông tiến, thêm một bước. Trên đà thắng lợi về mặt quân sự, Napoleon tự phong mình làm vua của vương quốc Italia, trở thành người bảo hộ Liên minh sông Rhein bao gồm 16 tiểu bang miền Tây và miền Nam nước Đức.

Nhưng chỉ khi đến thắng lợi chống quân Phổ năm 1806, Napoleon mới thực sự vươn lên đỉnh cao của quyền lực và cũng là thời điểm uy danh của ông vang dậy khắp Châu Âu.

Nhà thơ Heinrich Heine đã đánh giá về sức mạnh của Napoleon trong trận chiến chống quân Phổ năm 1806 như sau: “Napoleon hắt hơi một cái là thổi bay nước Phổ” [10; tr.132]. Còn đối với Friedrich Engels – một lãnh tụ của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế cũng ca ngợi tài năng quân sự của Napoleon trong trận chiến này: “Do cách đánh mới đã được Napoleon nâng lên đến mức hoàn thiện nhất, hơn hẳn lối đánh cũ kỹ, dẫn đến trận chiến ở Jena kết thúc, làm cho lối tác chiến cũ bị phá sản hoàn toàn, không cứu vãn được” [10; tr.132].

Hòa ước Tilsit” năm 1807, đưa Napoleon tiến tới đỉnh cao quyền lực. Napoleon đã thực hiện ý muốn của mình là vẽ lại bản đồ Trung Âu và Đông Âu. Napoleon lập ra một nước do đại công tước đứng đầu, gọi là đại công tước Warsava nằm giữa nước Phổ và nước Nga, do vị vua bù nhìn xứ Sachsen của Napoleon là đại công tước nắm quyền. Tất cả đất đai của Phổ về phía Tây sông Elbe đều cắt nhập vào vương quốc Westphalia mới thành lập, do người em trai của Napoleon là Jerome Bonapac làm quốc vương, chỉ để lại cho Priedrich III bốn tỉnh, nước Nga chỉ được chia ra một vùng đất nhỏ của Ba Lan, coi như sự trả ơn.

Với hòa ước này, Napoleon đã trở thành kẻ độc tài ở lục địa Châu Âu, ý đồ đánh chiếm Châu Âu của ông bước đầu thực hiện.
Đánh giá về Napoleon, D. Hamilton – Williams trong cuốn “the fall of Napoleon: the final betrayal” đã viết về Napoleon Bonapac như sau: “Ông đã trở thành anh hùng trong lòng họ. Ông trở thành một huyền thoại, một biểu tượng của nước Pháp chủ quyền, ông đại diện cho quyền dân tộc tự quế định vận mệnh của mình…

“Một bài học in dấu trong trái tim người Pháp và chính phủ của giai cấp thống trị sau đó: bạn có thể giết chết một người đàn ông…nhưng bạn không thể giết chết một lý tưởng. Và Napoleon chính là lý tưởng đó. Ông đã từng nói với mình rằng: Tôi là nước Pháp, nước Pháp là tôi!”
[11; tr.294].

Chính tài năng quân sự và những đóng góp của Napoleon trong đó có chiến thắng chống quân Phổ năm 1806 đã đưa ông trở thành “Danh tướng số 1 Châu Âu” [3; 358].

3. Những đóng góp với nền khoa học quân sự thế giới

Friedrich Engels từng nhận xét về nghệ thuật quân sự của Napoleon trong cuộc chiến tranh đánh bại quân Phổ năm 1806 như sau: “Do cách đánh mới đã được Napoleon nâng lên đến mức hoàn thiện nhất, hơn hẳn lối đánh cũ kỹ…làm cho lối tác chiến cũ bị phá sản hoàn toàn, không cứu vãn được” [10; tr.132].

3.1 Biết xem xét sự mạnh yếu của địch, kìm chế sức mạnh của địch, phát huy sức mạnh của ta

“Biết địch biết ta trăm trận trăm thắng” là câu nói cổ của người Trung Quốc nhằm để chỉ một trong những nghệ thuật quân sự khi tiến hành chiến tranh, dường như đó là kim chỉ nam của tất cả những cuộc chiến tranh, một nguyên tắc không thế thiếu để có thể chiến thắng được kẻ thù. Quân Phổ thất bại thảm hại cũng xuất phát từ chính việc chủ quan coi thường sức mạnh của địch, đề cao sức mạnh của bản thân mà không thấy được những cố gắng của quân Pháp cũng như hạn chế trong hàng ngũ quân Phổ.Chính Napoleon đã nhìn thấy được nhược điểm trên của quân Phổ. “Nếu quân Phổ ở trên quảng trường duyệt binh thì thì họ là một quân đội hết sức oai phong hùng mạnh, còn ở chiến trường, họ không chịu đòn nổi”[10; tr.130], đó là lời nhận xét của Napoleon khi phân tích điểm mạnh,yếu của quân Phổ. Và từ cơ sở đó, Napoleon tiến hành cải cách cách đánh của quân Pháp để phát huy sức mạnh của quân Pháp và cô lập sức mạnh của quân Phổ, ngày càng khoét sâu thêm hạn chế của chúng. Napoleon chỉ rõ: “Binh sĩ sẽ là những sinh mạng có lý tưởng chứ không phải là những cỗ máy mà người ta muốn tùy ý đặt đâu thì đặt. Vì vậy chúng ta phải từ bỏ lối bố trí đội hình tác chiến cũ, tạo ra một đội hình thích ứng với yêu cầu tấn công...Chúng ta sẽ làm cho toàn thế giới thấy rằng, đội hình tác chiến mới tất sẽ thắng đội hình tác chiến cũ. Tôi tràn đầy lòng tin vào việc đó” [10; tr.131]. Chính việc nắm vững được điểm mạnh, yếu của kẻ thù để từ đó có kế hoạch tác chiến phù hợp đã trở thành một trong những nghệ thuật quân sự giữ vai trò quan trọng đưa đến chiến thắng huy hoàng của quân Pháp.

3.2 Nghệ thuật kết thúc chiến tranh: đánh bại ý chí của kẻ thù

Tổng kết lịch sử chiến tranh của nhân loại cho thấy có thể khái quát các nghệ thuật kết thúc chiến tranh qua hai cách thức: hoặc kết thúc chiến tranh bằng cách đánh bại ý chí của kẻ thù, làm cho chúng bị đánh gục hoàn toàn hoặc kết thúc chiến tranh bằng biện pháp mềm dẻo nhằm tránh gây thù hằn dân tộc về sau. Đối với cách thức thứ hai thường diễn ra đối với tương quan lực lượng cả hai bên đều mạnh hoặc bên thắng trận vẫn thường yếu thế hơn bên bại trận do đó cần có một kết thúc mềm dẻo để có thể tạo dựng mối quan hệ hòa hiếu về sau, nhằm tránh gây thù hằn dân tộc. Cuộc kháng chiến chống Tống dưới sự lãnh đạo của Lý Thường Kiệt với kết thúc ngoại giao mềm dẻo là một trong những ví dụ điển hình của cách thức trên.

Còn đối với Napoleon, ông đã lựa chọn biện pháp thứ nhất, đánh bại ý chí của quân Phổ. Tại sao Napoleon lại lựa chọn như vậy. Thứ nhất nó phù hợp với tương quan lực lượng lúc bấy giờ, khi mà quân Pháp đang trong khí thế hùng mạnh còn quân Phổ đã tỏ ra suy yếu cực độ. Đánh bại hoàn toàn quân Phổ tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho Pháp thực hiện tham vọng bá chủ lục địa Châu Âu vì Napoleon đã dẹp được một lực lượng đối đầu nằm ngay sát biên giới của đất nước mình. Mặt khác như đã phân tích ở phần trước, đánh bại hoàn toàn ý chí của quân Phổ đồng nghĩa với việc tiêu diệt cánh tay đắc lực của quân Anh tại lục địa, tạo điều kiện cho Pháp có thể rảnh tay đối phó với quân Nga. Như thế có thể nói nghệ thuật kết thúc chiến tranh đánh bại hoàn toàn ý chí quân Phổ của Napoloen phù hợp với điều kiện lúc bấy giờ.

Tài năng quân sự của Napoleon trong suốt cuộc đời binh nghiệp của ông lúc bấy giờ đã đưa ông bước lên những bục danh hiệu xứng đánh nhất: trở thành một trong mười vị tướng soái giỏi nhất trong lịch sử nhân loại. Cách tổ chức quân đội, cách chỉ huy binh lính, những chiến thuật, chiến lược trong mỗi trận đánh của Napoleon đều đều đóng có những đóng góp quan trọng vào nền khoa học quân sự hiện đại. Các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học quân sự hiện nay vẫn đang tiếp tục nghiên cứu về Napoleon với tư cách là một nhà quân sự lỗi lạc của thế giới và nền khoa học quân sự nhân loại.

A.Puskin đại văn hào Nga đã viết về Napôlêông Bônapác như sau: “...Là một trong những hiện tượng kỳ lạ nhất trong lịch sử nhân loại...Con người bé nhỏ đảo Corsica đã thẳng tiến tới tột đỉnh vinh quang: Hoàng đế nước Pháp, vua nước Ý, Chúa tể sông Ranh. Napoleon đã giáng cho chế độ phong kiến những đòn chí tử, đã bóp chết cách mạng Pháp, đã làm cho cả châu Âu khiếp đảm, đã nhào nặn lại lịch sử của nhiều quốc gia... Napoleon, người đã được thiên định để chấp hành những định mệnh bí ẩn của lịch sử”.
Thật vậy, cuộc đời chinh chiến đầy vinh quang của Napoleon Bonapac đã chứng minh cho điều đó. Một người sinh ra không phải nước Pháp nhưng lại trở thành người nắm giữ quyền lực cao nhất của nước Pháp, được nhân dân Pháp tôn sùng và ngưỡng mộ. Trong sự nghiệp đầy vinh quang ấy, Napoleon vươn lên đỉnh cao quyền lực chính tại thời điểm đánh bại liên minh lần thứ tư. Trong đó chiến thắng có ý nghĩa quyết định nhất đó chính là cuộc chiến tranh với quân Phổ năm 1806.
Chúng ta chỉ có thể giải thích được việc nước Pháp có thể đánh bại nước Phổ, một trong bốn cường quốc hùng mạnh nhất Châu Âu lúc bấy giờ chỉ trong vòng 19 ngày bằng việc tìm hiểu nghệ thuật quân sự thiên tài của Napoleon.

MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

A. Các tài liệu tiếng Việt

1. E Tác Lê,1999, Napoleon Bonapac, Nd: Nguyễn Văn Nhã- Nguyễn Hữu Đạt, Nxb Quân đội Nhân Dân, Hà Nội.
2.Đại học Huế, 220 năm cách mạng Pháp (1789- 2009) và quan hệ Việt – Pháp trong lịch sử, Nxb Chính trị Quốc Gia, Hà Nội.
3.Kha Xuân Kiều – Hà Nhân Học, 2003, Những nhân vật quân sự nổi tiếng thế giới, Nxb Thanh Niên, Tp Hồ Chí Minh.
4. Phan Ngọc Liên (Chủ biên), 2008, Lịch sử thế giới cận đại, tập 1, Nxb Đại học Sư Phạm, Hà Nội.
5. Vũ Dương Ninh (Chủ biên), 2010, Lịch sử quan hệ quốc tế, Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội.
6. Vũ Dương Ninh – Nguyễn Văn Hồng, 1998, Lịch sử thế giới cận đại, Nxb Giáo Dục, Hà Nội.
7. P. Cluzel, Nd: Nguyễn Quang Tô, 1977, Napoleon: Bình nghiệp – Chính nghiệp – Tình ái, Nxb Cửu Long.
8. Cố Văn Thâm, 2003, 10 Đại tướng soái thế giới, Nd: Phong Đảo, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội.
9.Trần Anh Tuấn, 1989, Quan hệ Pháp – Đức từ chiến tranh Pháp – Phổ đến trước chiến tranh thế giới thứ nhất, Luận án tiến sĩ.
10. Vương Thiệu Văn, 2003, Napoleon Bonapac, Nd: Nguyễn Văn Ái, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội.

B: Các tài liệu tiếng anh

11. D. Hamilton – Williams, 1994, The fall of Napoleon : The final betrayal, Nxb Arms and Armou, London.

C: Các trang mạng:

- https://www.google.com.vn
- https://vi.wikipedia.org
 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:

ThuyenNhanXaXu

Thành Viên
Nghệ thuật dùng binh?
Tổ chức quân đội?
Sử dụng tướng tài?

Các bạn có thể giúp mình hiểu rõ 3 ý này khi nói về
Napoléon nhá?
 

Tớ nhớ cậu

Thành Viên
Nghệ thuật dùng binh:

Trong nghệ thuật lập thế trận tấn công, bao giờ ông cũng tuân theo một thứ logic hầu như đã trở thành nguyên tắc:''Tập trung quân và đánh vu hồi vào hai bên sườn và đuôi quân đối phương''.Ông thường dụ sự chú ý của đối phương vào một phần quân đội ông trong khi phần khác-thường là một sư đoàn đánh bọc hông đối phương. Điều này khiến cho quân đối phương khi thất trận có thể bị nghiến nát vì quân Napoleon đã khống chế tuyến rút lui.Chiến thuật này được thể hiện rõ nhất trong trận Austerlitz khi ông tiêu diệt liên quân Nga-Áo.Khi có thể, ông cho quân truy kích liên tục tiêu diệt đối phương để dứt điểm cuộc chiến.

Ông là người đầu tiên phát triển pháo di động (mobile artillery). đó tức là những cỗ pháo được ngựa kéo đi để có thể tham gia chiến đấu khắp nơi trên chiến trường. Có 1 số đơn vị pháo binh Pháp cũng thuộc lực lượng tổng trù bị như các trung đoàn vệ binh của hoàng đế (Imperial Guard) được gọi là "les Grandes Batteries", đây thường là các giàn pháo tập trung từ 15 đến 30 khẩu (trong khi mấy nước khác chỉ dùng 5-6 khẩu trong 1 giàn) xử dụng bởi những pháo binh chuyên nghiệp nhất của quân đội Pháp. Chính nhờ những đơn vị "Grande Batterie" này thường hay đi trước cả bộ binh, mà ở Friedland Napoleon đã đè bẹp quân Nga.Napoleon nói rằng:"Ngày nay, các trận đánh được quyết định bằng hỏa lực, không phải bằng xung lực".Chính vì vậy nên trong các trận đánh lớn hoàng đế luôn tập trung nhiều pháo binh. Napoleon cho rằng chỉ có hỏa lực khủng khiếp của pháo binh mới có thể đạt được chiến thắng quyết định mặc dù ông không hề phủ nhận tầm quan trọng của bộ binh và kị binh.Ông áp dụng chiến thuật bộ binh đánh kết hợp các tiểu đoàn theo tuyến và theo đội hình dọc. Ông cũng trông cậy vào ưu thế của kỵ binh Pháp đã có từ cuối thập niên 1790.Ông đã từng nói :'' Bộ binh tham gia cuộc chiến, pháo binh quyết định và kỵ binh thu hoạch nó ''.

Napoléon Bonaparte chỉ ra lệnh tấn công khi lực lượng Pháp mạnh hơn hoặc bằng với lực lượng địch.Khi đối phó với nhiều lần tấn công của Đồng minh chống Pháp của châu Âu, ông luôn luôn áp dụng cách đánh tập trung binh lực, đánh bại từng bộ phận, và luôn luôn giành được thắng lợi.Khi đập tan Liên minh chống Pháp lần thứ 3, Napoléon chính là đã áp dụng cách đánh này. Ông trước tiên tập trung binh lực đánh bại quân áo, sau đó thắng quân Nga, tranh thủ sự trung lập của Preussen (Phổ), mãi đến lúc Napoléon đánh bại quân áo tiến quân vào Wien (Viên), nước Preussen (Phổ) cảm thấy trước nguy cơ sắp giáng đến, mới thay đổi thái độ trung lập.Nhưng lúc đó Napoléon đã chiếm được địa vị chủ đạo.

Tổ chức quân đội


Thời kỳ cách mạng 1792-1793 Pháp đã đi tiên phong trong việc sử dụng các sư đoàn chiến đấu kết hợp kỵ binh,bộ binh và pháo binh tạo thành một đội quân nhỏ vài ngàn người có thể hành quân độc lập hoặc kết hợp với các sư đoàn khác

Sử dụng tướng tài


Napoléon sở dĩ xưng hùng một thời trong lịch sử châu Âu là vì ngoài thiên tài quân sự của ông ra, còn biết tìm hiểu và sử dụng người, dám không câu nệ một quy cách nào để dùng người cũng là nhân tố quan trọng. Một khi phát hiện người nào đó thật sự có tài tướng soái, đâu ngại địa vị của họ rất thấp, ông cũng đích thực dám cất nhắc. Trong 26 vị nguyên soái của ông, chỉ có 2 người xuất thân từ quý tộc, số còn lại đều xuất thân từ tầng lớp bình dân ở dưới.Năm 1805, khi tiến hành trận quyết chiến Austerlitz lừng danh, các sĩ quan chỉ huy cao cấp trong quân đội của Napoléon đều tuổi trẻ sức khỏe, nguyên soái Bernardot 42 tuổi được xem là tuổi già, còn nguyên soái Davout lúc đó chỉ mới có 35 tuổi. Napoléon mở cửa quân chức rộng rãi đối với tất cả mọi người anh dũng thiện chiến, đã nâng cao mạnh mẽ sức gắn kết và sức chiến đấu của quân đội.

Napoleon thường không bao giờ đưa ra các chỉ thị vụn vặt, một khuynh hướng phổ biến trong hàng ngũ các tướng lĩnh Châu Âu bấy giờ. Ông thường nói ngắn gọn và dễ hiểu. Napoleon làm như vậy để không mất tính sáng tạo cục bộ và tác chiến độc lập của các thống chế.
 

ThuyenNhanXaXu

Thành Viên
Bổ sung cùng bạn

Nghệ thuật dùng binh

Các chiến dịch tại nước Ý 1796-1797 do Napoléon điều khiển đã chứng tỏ thiên tài quân sự của ông, và cũng tại nước Ý, Napoléon đã làm phát triển một chiến thuật quân sự rất thành công, dùng làm căn bản cho các trận đánh lớn về sau. Napoléon đã dùng bộ óc bén nhậy của mình để quan sát các địa thế, hiểu rõ các chi tiết địa hình nào sẽ làm cản trở việc tiến quân. Ông sớm đoán trước được các kế hoạch của kẻ địch. Khi bắt đầu vào trận chiến, Napoléon đã để dự trữ một lực lượng lớn, quan sát rõ ràng mặt trận và tìm ra điểm yếu nhất của lực lượng địch, dồn sức mạnh quân sự vào điểm đó, chia hai lực lượng địch rồi vào thời điểm quyết định, dùng lực lượng dự trữ hùng hậu, thanh toán ngay một nửa địch quân và kẻ địch đã phải kinh hoàng trước sức tấn công bất ngờ như vũ bão.Napoléon có một khả năng đặc biệt, đó là nhận ra được thời điểm tốt nhất để tấn công. Bằng chiến thuật này, trong 11 ngày của năm 1796, Napoléon đã đánh bại đội quân Sardina đông gấp 5 lần.

Các nhà nghiên cứu và viết về nghệ thuật quân sự của Napoléon đều nhất trí cho rằng trong nghệ thuật lập thế trận tấn công, bao giờ ông cũng tuân theo một thứ logic hầu như đã trở thành nguyên tắc:''Tập trung quân và đánh vu hồi vào hai bên sườn và đuôi quân đối phương''.Ông thường dụ sự chú ý của đối phương vào một phần quân đội ông trong khi phần khác-thường là một sư đoàn đánh bọc hông đối phương. Điều này khiến cho quân đối phương khi thất trận có thể bị nghiến nát vì quân Napoleon đã khống chế tuyến rút lui.Chiến thuật này được thể hiện rõ nhất trong trận Austerlitz khi ông tiêu diệt liên quân Nga-Áo.Khi có thể, ông cho quân truy kích liên tục tiêu diệt đối phương để dứt điểm cuộc chiến.

Napoleon nguyên là chỉ huy pháo binh cho nên rất trú trọng đến đại bác. Ông là người đầu tiên phát triển pháo di động (mobile artillery). đó tức là những cỗ pháo được ngựa kéo đi để có thể tham gia chiến đấu khắp nơi trên chiến trường. Có 1 số đơn vị pháo binh Pháp cũng thuộc lực lượng tổng trù bị như các trung đoàn vệ binh của hoàng đế (Imperial Guard) được gọi là "les Grandes Batteries", đây thường là các giàn pháo tập trung từ 15 đến 30 khẩu (trong khi mấy nước khác chỉ dùng 5-6 khẩu trong 1 giàn) xử dụng bởi những pháo binh chuyên nghiệp nhất của quân đội Pháp. Chính nhờ những đơn vị "Grande Batterie" này thường hay đi trước cả bộ binh, mà ở Friedland Napoleon đã đè bẹp quân Nga.Napoleon nói rằng:"Ngày nay, các trận đánh được quyết định bằng hỏa lực, không phải bằng xung lực".Chính vì vậy nên trong các trận đánh lớn hoàng đế luôn tập trung nhiều pháo binh. Napoleon cho rằng chỉ có hỏa lực khủng khiếp của pháo binh mới có thể đạt được chiến thắng quyết định mặc dù ông không hề phủ nhận tầm quan trọng của bộ binh và kị binh.Ông áp dụng chiến thuật bộ binh đánh kết hợp các tiểu đoàn theo tuyến và theo đội hình dọc. Ông cũng trông cậy vào ưu thế của kỵ binh Pháp đã có từ cuối thập niên 1790.Ông đã từng nói :'' Bộ binh tham gia cuộc chiến, pháo binh quyết định và kỵ binh thu hoạch nó ''.

Napoleon không có thói quen định trước và định tỉ mỉ các kế hoạch chiến dịch. Ông chỉ chú ý đến những "đối tượng" chủ yếu, những mục đích cụ thể chính, quy trình thời gian (dĩ nhiên là phỏng đoán) và những đường tiến quân. Napoleon chỉ thật sự bận tâm lo nghĩ đến chiến tranh khi chính chiến dịch đương diễn ra; trong chiến dịch, không những ông chú ý đến những mục đích cần phải đạt, còn chú ý đến những tình huống, và đặc biệt là những tin tức, động tĩnh của đối phương mà ông thường xuyên nhận được, từ đó ông luôn thay đổi kế hoạch bố trí của mình, thay đổi từng ngày và có khi từng giờ.Trong những chiến dịch lớn lao, Napoleon đã cố gắng giữ vững nguyên tắc cơ bản là phải bảo vệ chặt chẽ các tuyến giao thông của mình.Tuy nhiên đã có lần Napoleon nói với Las Cases có nhiều lúc phải đánh cú liều để tập trung binh lính đánh một trận lớn và giành chiến thắnh hoàn toàn. Để làm như vậy, Napoleon đã làm giảm bớt lực lượng bảo vệ các tuyến giao thông liên lạc.

Napoléon Bonaparte chỉ ra lệnh tấn công khi lực lượng Pháp mạnh hơn hoặc bằng với lực lượng địch.Khi đối phó với nhiều lần tấn công của Đồng minh chống Pháp của châu Âu, ông luôn luôn áp dụng cách đánh tập trung binh lực, đánh bại từng bộ phận, và luôn luôn giành được thắng lợi.Khi đập tan Liên minh chống Pháp lần thứ 3, Napoléon chính là đã áp dụng cách đánh này. Ông trước tiên tập trung binh lực đánh bại quân áo, sau đó thắng quân Nga, tranh thủ sự trung lập của Preussen (Phổ), mãi đến lúc Napoléon đánh bại quân áo tiến quân vào Wien (Viên), nước Preussen (Phổ) cảm thấy trước nguy cơ sắp giáng đến, mới thay đổi thái độ trung lập.Nhưng lúc đó Napoléon đã chiếm được địa vị chủ đạo.

Tổ chức quân đội

Thời kỳ cách mạng 1792-1793 Pháp đã đi tiên phong trong việc sử dụng các sư đoàn chiến đấu kết hợp kỵ binh,bộ binh và pháo binh tạo thành một đội quân nhỏ vài ngàn người có thể hành quân độc lập hoặc kết hợp với các sư đoàn khác.

Năm 1805 trong chiến dịch nước Áo,Napoleon đã tiến hành tổ chức biên chế quân đội lần cuối cùng. Bộ đội tiến đánh nước áo được chính thức gọi là đại quân để phân biệt với các bộ đội dùng vào việc thành lập các đơn vị đồn trú hoặc các quân đoàn đóng giữ ở những vùng xa mặt trận. Đại quân gồm bảy quân đoàn đặt dưới sự chỉ huy của các tướng xuất sắc nhất, được cất nhắc lên hàng thống chế sau khi Napoleon làm lễ thụ phong hoàng đế.

Tổng quân số của bảy quân đoàn này lên tới 186.000 người. Mỗi quân đoàn đều có bộ binh, kỵ binh, pháo binh và tất cả các ngành hậu cần cần có trong một quân đội. Napoleon coi mỗi quân đoàn này như một tổ chức quân đội riêng biệt. Chủ lực quân của kỵ binh và pháo binh không phụ thuộc vào một thống chế nào và cũng không nằm trong biên chế một quân đoàn nào, mà tổ chức thành những đơn vị riêng biệt đặt dưới sự chỉ huy trực tiếp của hoàng đế.Quân đoàn hoạt đông tốt hơn các sư đoàn khi được kết hợp với các quân đoàn khác dưới quyền Napoleon. Lúc cần thiết, Napoleon có thể tự ý dốc toàn bộ pháo binh và kỵ binh của mình đến ứng cứu cho một trong bảy quân đoàn.

Ngoài các quân đoàn và các đội dự bị của pháo binh và kỵ binh ra, còn có đội cận vệ của hoàng đế gồm 7.000 lính ưu tú (đây chỉ mới nói về năm 1805, sau này còn nhiều hơn nữa).Người ta chỉ tuyển vào đội cận vệ ngự lâm những người xuất sắc đặc biệt. Họ được trả lương cao, được nuôi dưỡng đặc biệt, trang phục đẹp, đội mũ cao có lông và đóng sát ngay tổng hành dinh của hoàng đế. Bản thân Napoleon biết rõ đời sống và quá trình công tác của một số đông trong đội quân ấy.

Kỷ luật do Napoleon đặt ra có một tính chất đặc biệt. Napoleon không cho dùng nhục hình trong quân đội. Toà án quân sự kết án tử hình hoặc đưa đi đày đối với những tội nặng, còn tội nhẹ chỉ kết án tù ở những nhà tù của quân đội.

Có 1 điều kiện làm cho quân đội của Napoleon trở thành quân đội mạnh nhất Châu Âu là luật "nghĩa vụ quân sự".Theo luật này, tất cả các thanh niên từ 20 đến 25 tuổi đều có thể được tuyển quân và họ phải phục vụ trong vòng 5 năm. Tuỳ theo tình hình chiến trận, họ sẽ được gọi hoặc được bốc thăm và những người có điều kiện có thể tìm người đi thay. Đạo quân này có những lính mới do chế độ quân dịch, với quân số mới vào khoảng 85,000 người mỗi năm và các tân binh được bổ sung vào các đoàn quân tinh nhuệ cũ để đáp ứng nhu cầu chiến trường. Và luật này được kéo dài cho đến khi vua Lu-i XVIII trở lại ngai vàng nước Pháp vào năm 1815. Chính vì thế mà Napoleon không bao giờ thiếu quân về mặt số lượng và một phần nào đó cả về mặt chất lượng. Trong trường hợp bình thường, nó giúp cho nước Pháp huấn luyện được những lớp dự bị rất là tốt, sẵn sàng bổ sung những thiệt hại ở mặt trận

Sử dụng tướng tài

Napoléon sở dĩ xưng hùng một thời trong lịch sử châu Âu là vì ngoài thiên tài quân sự của ông ra, còn biết tìm hiểu và sử dụng người, dám không câu nệ một quy cách nào để dùng người cũng là nhân tố quan trọng. Một khi phát hiện người nào đó thật sự có tài tướng soái, đâu ngại địa vị của họ rất thấp, ông cũng đích thực dám cất nhắc. Trong 26 vị nguyên soái của ông, chỉ có 2 người xuất thân từ quý tộc, số còn lại đều xuất thân từ tầng lớp bình dân ở dưới.Năm 1805, khi tiến hành trận quyết chiến Austerlitz lừng danh, các sĩ quan chỉ huy cao cấp trong quân đội của Napoléon đều tuổi trẻ sức khỏe, nguyên soái Bernardot 42 tuổi được xem là tuổi già, còn nguyên soái Davout lúc đó chỉ mới có 35 tuổi. Napoléon mở cửa quân chức rộng rãi đối với tất cả mọi người anh dũng thiện chiến, đã nâng cao mạnh mẽ sức gắn kết và sức chiến đấu của quân đội.

Napoleon thường không bao giờ đưa ra các chỉ thị vụn vặt, một khuynh hướng phổ biến trong hàng ngũ các tướng lĩnh Châu Âu bấy giờ. Ông thường nói ngắn gọn và dễ hiểu. Napoleon làm như vậy để không mất tính sáng tạo cục bộ và tác chiến độc lập của các thống chế.
 

DiễnđànKiếnthức .COM

  • Diễn đàn kiến thức Văn Sử Địa - Nơi mọi người có thể chia sẻ và thảo luận về văn, sử, địa nhằm nâng cao, mở mang kiến thức. .
Chat
Đăng nhập để sử dụng ChatBox
  1. Tiêu Huân Nhi @ Tiêu Huân Nhi:
    Trung Thu là Tết của thiếu nhi ^^
  2. D2KT @ D2KT:
    hihi, muộn rồi. Ngủ thôi ^^
  3. Huân Nhi @ Huân Nhi:
    hi, cả nhà ơi.. chat đi

Trang cá nhân

Trung Thu là Tết của thiếu nhi ^^
Năm học mới 2023 - 2024 vui vẻ, thành công :)
Vĩnh Phúc mãi đỉnh

Thành viên trực tuyến

Không có thành viên trực tuyến.
Top