Ngọc Suka
Thành Viên
Kĩ năng làm bài nghị luận văn học

1. Tìm hiểu đề, xác lập yêu cầu bài văn nghị luận.
- Tìm hiểu đề của bài văn nghị luận nhằm xác định các yêu cầu cơ bản của bài:
+ Vấn đề nghị luận (nội dung cần bàn luận).
+ Thao tác nghị luận chính cần sử dụng (phân tích, giải thích, chứng minh, so sánh, bình luận, bác bỏ).
+ Phạm vi tư liệu cần huy động.
- Để xác lập các yêu cầu bài văn nghị luận, cần đọc kĩ đề bài, gạch chân những từ ngữ then chốt, xác định đúng mối quan hệ giữa các vế câu, giữa các câu.
- Một số ví dụ: (Hướng dẫn HS xác định các yêu cầu bài văn nghị luận)
Đề số 1: Phân tích sức sống tiềm tàng của nhân vật Mị qua tác phẩm “Vợ chồng A Phủ” của Tô Hoài.
Xác định yêu cầu: nôi dung (sức sống tiềm tàng của nhân vật Mị); thao tác nghị luận (phân tích); tư liệu huy động (“Vợ chồng A Phủ” của Tô Hoài)
Đề số 2: Cảm nhận của em về đoạn thơ sau trong bài thơ “Sóng” của Xuân Quỳnh:
“Con sóng dưới lòng sâu
….
Cả trong mơ còn thức”
Xác định yêu cầu: nội dung (về nội dung và nghệ thuật của đoạn thơ); thao tác nghị luận (phân tích, bình luận, so sánh…); tư liệu huy động (đoạn thơ là chính và có thể cả bài thơ “Sóng”)
Đề số 3: Bàn về hình tượng "em" trong bài thơ "Sóng" của nhà thơ Xuân Quỳnh có ý kiến cho rằng: “Bài thơ thể hiện vẻ đẹp truyền thống của người phụ nữ trong tình yêu”.Ý kiến khác lại cho rằng: “Hình tượng em thể hiện vẻ đẹp hiện đại của người phụ nữ đang yêu”. Từ cảm nhận về hình tượng "em" trong bài thơ "Sóng", anh/chị hãy bình luận về các ý kiến trên.
Xác định yêu cầu: nôi dung (hình tượng "em" trong bài thơ "Sóng"); thao tác nghị luận (bình luận); tư liệu huy động (bài thơ “Sóng”)
Đề số 4: Bàn về hình tượng người lái đò trong tùy bút “Người lái đò sông Đà” của Nguyễn Tuân có ý kiến cho rằng: “Đó là người lao động đầy trí dũng trên sóng nước sông Đà”. Ý kiến khác lại khẳng định: “Đó là người nghệ sĩ tài hoa trong nghệ thuật vượt thác ghềnh.”
Từ cảm nhận của mình về hình tượng người lái đò sông Đà, anh (chị) hãy bình luận ý kiến trên.
Xác định yêu cầu: nôi dung (hình tượng người lái đò trong tùy bút “Người lái đò sông Đà”); thao tác nghị luận (bình luận); tư liệu huy động (bài“Người lái đò sông Đà” của Nguyễn Tuân”)
Đề số 5: Phân tích nhân vật bà cụ Tứ (Vợ nhặt – Kim Lân) và nhân vật người đàn bà hàng chài (Chiếc thuyền ngoài xa – Nguyễn Minh Châu) để thấy được tình mẫu tử là cội nguồn tạo nên sức sống mãnh liệt trong tâm hồn của hai người mẹ này?
Xác định yêu cầu: nội dung ( tình mẫu tử ở hai nhân vật bà cụ Tứ, người đàn bà hàng chài); thao tác nghị luận (phân tích, chứng minh); tư liệu huy động (bài Vợ nhặt – Kim Lân; Chiếc thuyền ngoài xa – Nguyễn Minh Châu)
2. Xác định luận điểm, luận cứ, dẫn chứng, lập luận.
a. Luận điểm:
- Luận điểm (còn gọi là ý lớn) là những ý kiến, quan điểm chính được nêu ra trong bài văn nghị luận.
- Để xác định luận điểm cho bài văn nghị luận, sau khi đã xác định yêu cầu của đề bài, cần dựa vào vấn đề nghị luận và đặt ra các câu hỏi:
+ Là gì?
+ Như thế nào?
+ Có ý nghĩa gì?
…..
- Khi đã tìm ra các luận điểm lớn, cần tiếp tục chia tách các ý nhỏ (luận điểm bộ phận).
- Lưu ý khi triển khai luận điểm:
+ Các ý lớn phải ngang hàng nhau và cùng làm sáng tỏ vấn đề nghị luận.
+ Các ý nhỏ phải nằm trong ý lớn và làm sáng tỏ cho ý lớn.
+ Các ý phải được sắp xếp theo một lôgic nhất định.
+ Cần xác định mức độ các ý cho hợp lí. Trong một bài văn, các ý không phải bao giờ cũng đồng đều và được trình bày ngang nhau. Có ý cần nêu kĩ, có ý chỉ nói qua, nói vừa đủ => Xác định được ý trọng tâm.
- Một số ví dụ: (GV hướng dẫn HS tìm các luận điểm qua một số đề cụ thể)
Đề 1: Cảm hứng thế sự trong tác phẩm “Chiếc thuyền ngoài xa” của Nguyễn Minh Châu.
Câu hỏi để triển khai luận điểm: Cảm hứng thế sự là gì? Cảm hứng thể sự được thể hiện như thế nào trong truyện “Chiếc thuyền ngoài xa”? Ý nghĩa của việc thể hiện cảm hứng thế sự trong tác phẩm “Chiếc thuyền ngoài xa” và trong sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Minh Châu?
b. Luận cứ:
- Trong mỗi luận điểm lại có nhiều luận cứ để triển khai luận điểm. Luận cứ là các dẫn chứng (chứng cứ) và lí lẽ làm sáng tỏ cho luận điểm.
- Để làm sáng luận điểm, cần lựa chọn các luận cứ phù hợp, xác thực, nhất quán với nội dung luận điểm.
- Khi đưa ra các dẫn chứng cần phải sử dụng các thao tác lập luận phù hợp để phân tích, giải thích, so sánh, giúp cho dẫn chứng thêm rõ ràng, nhằm làm bật lên ý nghĩa của luận cứ và luận điểm, làm cho luận cứ và luận điểm gắn bó với nhau, giàu sức thuyết phục.
- Để có được những luận cứ xác đáng, đòi hỏi chúng ta phải tích lũy cho mình vối sống, vốn hiểu biết xã hội, văn học phong phú.
- Một số ví dụ: (Hướng dẫn HS tìm hiểu qua một số đề cụ thể)
Đề 1: Cảm hứng thế sự trong tác phẩm “Chiếc thuyền ngoài xa” của Nguyễn Minh Châu.
Tìm luận cứ: Với luận điểm sự thể hiện cảm hứng thế sự có thể chia tách thành: xác định đề tài, xây dựng nhân vật, ngôn ngữ, giọng điệu…
c. Dẫn chứng
- Yêu cầu: Lập luận quyết định dẫn chứng; Dẫn chứng phải vừa đủ, không thiếu, không thừa, không quá dài; Dẫn chứng phải cân đối giữa thơ và văn xuôi, giữa tác phẩm này và tác phẩm kia.
- Cách chọn dẫn chứng: Khi tìm ý, cần lập kế hoạch lựa chọn, phân phối dẫn chứng, xây dựng hệ thống dẫn chứng song song với hệ thống ý; Khi đưa dẫn chứng phải có câu văn trước để dẫn dẫn chứng, câu văn sau để giảng, bình hay bày tỏ cảm xúc. Phải chọn được những dẫn chứng thật đắt giá làm sáng cho bài viết.
- Cách sử dụng dẫn chứng:
+ Cách 1: đưa dẫn chứng thành câu văn riêng biệt và trích xuống dòng (thường dùng cho thơ hoặc câu văn hay)
+ Cách 2: Dùng một số chữ đặt ẩn trong câu văn
VD: Lối ví von trong “Tương tư” cũng rất gần với dân gian. Nói về tình yêu, dân gian cũng tinh tế “nói xa” rồi mới “nói gần”,…
+ Cách 3: Tóm tắt ý dẫn chứng thành lời văn của mình (thường dùng cho văn tự sự)
VD: Tràng dẫn người đàn bà lạ về làm vợ, để xây dựng gia đình, tiếp nối sự sống. Trên bờ vực thẳm của cái chết, họ tìm đến sự sống. Tràng vui sướng vì sự kiện to lớn bất ngờ của đời anh. Anh đang có vợ, anh đang dẫn vợ về nhà….
Lưu ý: Nên dùng đồng thời 3 cách nêu dẫn chứng để bài viết sinh động.
- Cách phân tích dẫn chứng: Phải chú ý đến đặc trưng của thể loại dẫn chứng (dẫn chứng thuộc loại thơ, văn xuôi hay kịch…) để phân tích.
VD: Nếu là thơ chú ý đến cấu tứ, từ ngữ, hình ảnh, nhạc điệu, tiết tấu, các biện pháp tu từ…Chú ý so sánh với các tác phẩm khác và với chính những đoạn khác trong tác phẩm để thấy sự khác biệt.
d. Lập luận:
- Lập luận là sự tổ chức các luận điểm, luận cứ, các lí lẽ và dẫn chứng nhằm làm sáng tỏ vấn đề, để người đọc hiểu, tin và đồng tình với điều mà người viết đặt ra và giải quyết.
- Để triển khai lập luận, người viết cần thực hiện những thao tác nghị luận cụ thể như giải thích, chứng minh, phân tích, bình luận,…và những cách trình bày như diễn dịch, quy nạp, tổng – phân – hợp,…
- Lưu ý: Không phải bất kì văn bản nào cũng cần phải huy động đầy đủ các thao tác; tùy thuộc vào vấn đề, tùy thuộc vào đối tượng tiếp nhận, tùy thuộc vào mục đích nghị luận có thể lựa chọn một số thao tác nhất định; trong một bài, một đoạn văn nghị luận có một hoặc hai thao tác chính có vai trò nòng cốt tạo nên mạch lập luận của vấn đề được đưa ra nghị luận, và những thao tác phối hợp giúp cho lập luận được sinh động, có chiều sâu.
- Một số ví dụ: (GV hướng dẫn HS tìm hiểu một số ví dụ)
Đề 1: Cảm hứng thế sự trong tác phẩm “Chiếc thuyền ngoài xa” của Nguyễn Minh Châu.
Cần vận dụng thao tác giải thích để làm sáng tỏ cảm hứng thế sự; thao tác phân tích, chứng minh để trình bày về sự thể hiện cảm hứng thế sự trong truyện “Chiếc thuyền ngoài xa”; thao tác bình luận để bàn bạc về ý nghĩa giá trị của cảm hứng thế sự.
3. Mở bài, kết bài trong văn nghị luận.
a. Mở bài:
- Mở bài nhằm giới thiệu một cách khái quát vấn đề sẽ được triển khai, bàn bạc.
- Về hình thức, mở bài thường là một đoạn văn.
- Về nội dung, mở bài thường có hai phần: phần đầu có nhiệm vụ dẫn dắt, khơi gợi để dẫn đến vấn đề nghị luận, phần sau nêu vấn đề trọng tâm của bài viết.
- Mở bài thường trình bày vấn đề theo hai cách: mở bài trực tiếp và gián tiếp. Mở bài trực tiếp là trình bày thẳng vào vấn đề; mở bài gián tiếp đi từ một ý kiến, một nội dung có liên quan để dẫn đến vấn đề.
- Mở bài trực tiếp thường giới thiệu về tác giả (vị trí trong nền văn học, phong cách nghệ thuật), tác phẩm (vị trí, giá trị với tác giả và nền văn học), vấn đề nghị luận. Nếu mở bài gián tiếp thì những phần giới thiệu tác giả, tác phẩm đặt vào ngay phần đầu của thân bài.
- Ví dụ: (Hướng dẫn HS tìm hiểu một số mở bài hay)
Đề 1: Vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ trong bài thơ “Sóng” của Xuân Quỳnh.
Mở bài: Như bông cúc nhỏ sinh ra để luôn tự hát về những triền đất mênh mang nắng gió, Xuân Quỳnh sinh ra, dường như, cũng luôn để cất tiếng hát về cuộc đời này, về tình yêu như một điều không thể thiếu. Một trái tim dạt dào cảm xúc và luôn mãnh liệt đam mê như thế tìm đến với thơ ca – một thể loại giàu chất trữ tình là một điều tất yếu. Đọc bài thơ “Sóng” của Xuân Quỳnh ta bắt gặp vẻ đẹp tâm hồn người phụ nữ với những biểu hiện tinh tế, phong phú.
Đề 2: Phân tích hình tượng cây xà nu trong tác phẩm “Rừng xà nu” của nhà văn Nguyễn Trung Thành.
Mở bài: Tây Nguyên – mảnh đất hùng vĩ và thơ mộng, với những con người nồng hậu yêu thương mà kiên cường bất khuất, từ lâu đã là nguồn cảm hứng cho biết bao văn nhân nghệ sĩ. Mỗi người đều tìm thấy ở mảnh đất này một biểu tượng đẹp cho tâm hồn cất cánh, ngòi bút thăng hoa. Ngọc Anh có “Bóng cây kơnia” như nỗi lòng thổn thức, thiết tha của tình yêu thủy chung, son sắt; Thu Bồn có “Bài ca chim Chơrao” ngân vang khúc hát trong trẻo, nồng đượm của tình người chiến thắng… Còn Nguyễn Trung Thành lại đem đến cho chúng ta hình tượng những cánh rừng xà nu nối tiếp chạy đến chân trời trong tác phẩm cùng tên.
- Lưu ý:
Một mở bày hay cần phải:
+ Dẫn dắt, nêu trọng tâm và giới hạn vấn đề ngắn gọn.
+ Tạo được sự chú ý của người đọc.
+ Viết tự nhiên, giản dị, nhưng sinh động, độc đáo.
Khi viết mở bài cần tránh:
+ Ý dẫn dắt không liên quan đến trọng tâm của bài nghị luận.
+ Dẫn dắt lan man dài dòng.
+ Trình bày chi tiết cụ thể, những nội dung lẽ ra chỉ triển khai ở phần thân bài.
b. Kết bài:
- Kết bài nhằm tổng kết, thâu tóm lại vấn đề đã được đặt ra ở mở bài, đồng thời khơi gợi những nội dung, cảm xúc tiếp nối cho người đọc từ vấn đề đã nêu ra và giải quyết.
- Một số cách kết bài thường gặp:
+ Tóm tắt, nhận xét và đánh giá khái quát về nội dung, tư tưởng của người viết đối với vấn đề đã trình bày trong các phần trước.
+ Khái quát nội dung và đặt ra câu hỏi nhằm khơi gợi suy nghĩ và tình cảm ở người đọc.
+ Khái quát nội dung và mở rộng, nâng cao vấn đề đã được bàn bạc trong các phần trên.
- Kết bài phải nâng lên được phong cách nghệ thuật tác giả và những bài học lí luận, bài học nhân sinh.
- Một số ví dụ về các cách kết bài: (Hướng dẫn HS tìm hiểu một số kết bài hay)
c. Diễn đạt:
- Nguyên tắc chung là dựa theo dàn ý để viết thành bài văn chứ không viết một cách tùy tiện. Có thế, bài viết mới thống nhất, cân đối, chặt chẽ và có sức thuyết phục.
- Khi viết học sinh cần lưu ý rèn luyện cách dùng từ ngữ, sử dụng kết hợp các kiểu câu, các phép tu từ, lựa chọn giọng văn cho phù hợp với bài viết. Lời văn nghị luận cần đảm bảo tính chuẩn xác, chặt chẽ, đồng thời cần có tính biểu cảm, cảm xúc…
d. Kiểm tra, hoàn chỉnh bài viết:
- Bước này học sinh thường coi nhẹ, ít chú ý và chưa hình thành một thói quen trong khi làm bài. Hậu quả là đã để lại những lỗi không đáng có, ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả của bài làm.
- Đây là bước bắt buộc, phải có để hoàn chỉnh bài viết của mình. Cần đọc lại để sửa những lỗi sau:
+ Lỗi về nội dung: có ý nào viết còn thiếu, chưa hoàn chỉnh, hoặc chưa thống nhất.
+Lỗi về kiến thức: kiến thức sai tên tác giả, tác phẩm, dẫn chứng sai hoặc không chính xác ( lỗi này học sinh thường hay mắc phải).