“Viết văn, cũng là chừng ấy kí tự, chừng ấy con chữ, mỗi nhà văn sáng tạo ra một thế giới của riêng mình nhưng lại không chỉ cho riêng mình.”
Từ ngữ trên thế giới là hữu hạn, nhưng mạch nguồn văn chương lại là dòng chảy không bao giờ dứt, len lỏi xuyên suốt trong dòng chảy lịch sử và văn minh nhân loại. Nhưng cớ gì văn chương, thứ vốn dĩ được cấu tạo nên từ con chữ, lại đặc biệt đến vậy? Bởi lẽ mạch nguồn của văn chương chính là mạch nguồn xúc cảm đa đoan, là mạch nguồn từ những biến động cuộc đời đa diện.
Và mỗi lần thế sự đổi thay, con người đổi khác, và văn chương cũng mang một mặt mới, một bộ mặt in dấu ấn của thời đại, một bộ mặt in dấu ấn con người của thời đại. Bởi lẽ nếu như “văn học là tấm gương phản chiếu cuộc đời” (theo Stendhal) thì “nhà văn là thư kí trung thành của thời đại” (theo Balzac). “Thêm nữa, một nhà văn, cũng như bất cứ nghệ sĩ nào khác, hoài công bị gắn liền với thời của mình một cách chặt chẽ đến nỗi y không thể thoát ra và thứ không khí duy nhất mà y hít thở, là cái người ta gọi là ‘không khí của thời đại,’ y vẫn cứ luôn luôn diễn tả trong những tác phẩm của mình một điều gì đó không mang thời tính.” (Patrick Modiano).
Thời kì trung đại gò bó thì văn chương khi ấy cũng quy chuẩn tựa như đúc từ khuôn mà thành. Mỗi tác phẩm, mỗi ý thơ đều tuân thủ niêm luật chặt chẽ, đều có một hình mẫu vẻ đẹp tiêu chuẩn không gì thay thế suốt mấy nghìn năm; vậy mà đến nay, thơ ca trung đại vẫn có một chỗ đứng vững chãi, vẫn là những tượng đài văn chương mà bất cứ người nghiên cứu thi ca nghệ thuật nào cũng trân trọng.
Nỗi nhớ quê tha thiết được thi tiên Lý Bạch truyền tải khéo léo:
“Cử đầu vọng minh nguyệt,
Đê đầu tư cố hương.”
(Tĩnh dạ tứ)
Mảnh nguyệt trời cao kia ngày nào mà không xuất hiện, ai mà không nhìn ngắm? Mảnh trăng Lý Bạch nhìn nơi ấy cũng vẫn là mảnh trăng treo đỉnh Nga Mi xưa kia. Nhưng cho đến khi thi tiên ngẩng đầu ngắm vầng trăng xa xôi ấy mới cúi đầu nhớ về một nơi xa xôi khác - là quê hương mình, thì lúc ấy bao người con xa xứ khác cũng bùi ngùi nhớ quê. Phải chăng vì mảnh nguyệt kia mãi ở trong mắt mà không thể chạm tới, cũng như quê hương mãi ở trong lòng mà chẳng thể trở về? Và phải chăng đó là thế giới của riêng Lý Bạch, nhưng cũng không chỉ là thế giới của riêng ông, mà còn là thế giới của biết bao người con cất giữ quê hương trong lòng mình?
Thời thế yên bình, con người mang tâm tư; nhưng lúc biến loạn cũng có trong mình một nỗi niềm khó che giấu. Đất nước nguy nan, văn hóa giao hòa những năm Thực dân đô hộ, phong trào Thơ Mới nổi lên như một “cuộc cách mạng thơ ca” chưa từng có. Lớp trí thức trẻ mang trong mình cái tôi cá nhân cùng khát khao bộc lộ khôn cùng, nhưng với mỗi người trẻ, mỗi thi nhân lại mang đến một làn gió mới trong “thế giới của riêng mình”.
Nhắc đến Thơ Mới, không thể không nhắc về Xuân Diệu. Nhưng có lẽ cái đặc sắc và để lại ấn tượng sâu nhất trong mỗi người đọc là một câu thơ “hoàn toàn Xuân Diệu”:
“Tháng Giêng ngon như một cặp môi gần”
Có lẽ trước Xuân Diệu, và cả trong thơ mới sau này, vẫn sẽ không có ai có cái cảm nhận về mùa xuân độc đáo như thế. Dường như ở đây đã không còn là những câu thơ tả cảnh xuân thuần túy nữa, mà là cảm giác của tình ái say mê. “Cảm giác ấy đã làm cho người ta thấy tháng giêng mơn mởn tơ non đầy sức sống thanh tân kia sao mà quyến rũ - tháng giêng mang trong nó sức quyến rũ không thể cưỡng lại được của một người tình rạo rực, trinh nguyên.” (Ba đỉnh cao Thơ mới).
Viết về tháng giêng, về mùa xuân, về thời gian – những điều vốn dĩ trừu tượng, không thể nắm bắt, càng không thể níu giữ, nhưng ở đây thi nhân lại cụ thể hóa một cách bất ngờ qua hình ảnh độc đáo “ngon như một cặp môi gần”. Qua một câu thơ tám chữ, dường như quan điểm thẩm mĩ của thi ca truyền thống đã bị khước từ, thiên nhiên không còn là chuẩn mực của cái đẹp mà thay vào đó, ở đây là “cặp môi gần” của người thiếu nữ, của nhân tình.
Thơ hay không chỉ vì ý thơ độc đáo mà còn cần cấu tứ linh hoạt, ngôn từ điêu luyện. Bởi lẽ, “một câu thơ hay là một câu thơ giàu sức gợi.” (Lưu Trọng Lư). Hàn Mặc Tử tưởng niệm vườn thôn Vĩ đã viết:
“Vườn ai mướt quá xanh như ngọc”
(Đây thôn Vĩ Dạ)
Câu thơ đã gợi ra một khoảng không gian xanh của thiên nhiên Vĩ Dạ, cái màu xanh mượt mà, mỡ màng của hàng cây khiến cho người đọc cảm nhận được một sức sống tràn trề. Sương đêm ướt đẫm cây cỏ hoa lá, màu xanh mơn mởn non tơ ngòi lên, bóng lên dưới ánh bình minh trông “mướt quá”. Mướt” là vì mượt mà, óng ả, mướt của một màu xanh rất đặc trưng được so sánh đến tuyệt đối: “xanh như ngọc”. “Xanh như ngọc” mà không phải xanh ngọc, sự liên tưởng độc đáo ấy mang lại cho vườn thôn Vĩ một vẻ đẹp trong khiết đến vô ngần của một viên ngọc quý.
Mở đầu với nhan đề “Tràng giang” độc đáo cùng lời đề từ đầy suy tư, người đọc bước vào thế giới thơ Huy Cận với không gian rộng mở của miền sông nước và những con sóng lòng chất chứa ưu tư:
“Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp,
Con thuyền xuôi mái nước song song”
Ngay từ những câu thơ đầu tiên, người đọc đã bắt gặp vẻ đẹp của âm hưởng Đường thi đặc trưng trong thơ Huy Cận. Hai từ láy mang sắc thái cổ kính “điệp điệp”, “song song” được sử dụng liên tiệp gợi nỗi buồn như loang ra không gian và trải dài miên man theo thời gian. Từng cơn sóng mệt mỏi đang gợn lăn tăn giữa dòng sông sâu rộng hay chính là những con sóng trong lòng thi nhân. Con thuyền nhỏ cô độc giữa dòng sông càng làm nổi bật sự nhỏ bé, cô đơn, thuyền mặc trôi vô định xuôi theo dòng giang bao la. Sóng gợn "điệp điệp", nước chảy “song song", cảnh vật tuy vận động nhưng sao vẫn thấy tĩnh lặng đến lạ lùng.
Cũng viết về nỗi buồn, nhưng nỗi buồn Nguyễn Bính lại mang sắc màu nơi thế giới của riêng ông:
“Hai thôn chung lại một làng,
Cớ sao bên ấy chẳng sang bên này?”
Khoảng không gian hai thôn tưởng chững như xa cách vô cùng hóa ra lại… “chung một làng”, “bên ấy” và “bên này” bỗng trở nên thật gần gũi.
Trong bài thơ, chàng trai có ý trách móc cô gái “Cớ sao bên ấy chẳng sang bên này?”. Xét bề ngoài thì điều này thật là vô lý! Xưa nay trong tình yêu, người chủ động đi đến vẫn thường là người con trai, nhưng chàng trai trong bài thơ lại thụ động chờ đợi. Và chỉ khi đợi chờ như thế, người trai quê ấy mới có thể bộc bạch hết lòng mình. Nhưng lối trách móc này không phải vì ghét, cũng không giống như một sự quy kết trách nhiệm hay đổ lỗi thông thường; mà trách là vì yêu. Do quá mong nhớ, bị nỗi nhớ mong giày vò mà tình yêu thương vụng nhớ thầm ấy lại không được đáp lại nên người trong cuộc dễ tưởng mình bị hờ hững, nảy sinh ra “hờn ngược, trách xuôi” vậy thôi.
Nếu như Xuân Diệu là hồn thơ “mới nhất trong những nhà thơ mới” – một hồn thơ bất cứ khi nào cũng “thiết tha, rạo rực, băn khoăn”, thì Hàn Mặc Tử lại thâm trầm, triết lý, mang một nỗi ám ảnh thế sự, đưa thơ tiệm cận với chủ nghĩa siêu thực. Nếu như Huy Cận cổ điện mang nỗi sầu nhân thế thì Nguyễn Bính lại tìm về với hồn thơ dân tộc với lối ví von mộc mạc mà duyên dáng mang phong vị dân gian.
Và cũng chưa bao giờ thi ca lại được đón nhận mãnh liệt đến vậy trong lịch sử văn chương Việt Nam. Cố nhiên, nỗi rạo rực của Xuân Diệu chỉ một mình ông hiểu, triết lý thâm trầm của Hàn Mặc Tử chỉ một mình thi nhân hay, nỗi buồn sâu thẳm của Huy Cận không ai cảm nhận hết, nét chân quê của Nguyễn Bính vẫn là độc bản con người ông. Nhưng cả một lớp trẻ đương thời vẫn say mê thơ Xuân Diệu, Nguyễn Bính, vẫn buồn bã cùng trang viết Huy Cận, Hàn Mặc Tử. Vì ai mà không có trong mình tình yêu, dù cháy bỏng như Xuân Diệu, hay dù nhẹ nhàng, chân quê như Nguyễn Bính? Vì ai mà không buồn bã trước thời thế biến động, không từng thấy lạc lõng giữa đời như Huy Cận, Hàn Mặc Tử? Thơ ca nói hộ lòng người là vậy. Chỉ cần tâm hồn đồng điệu, người đọc vẫn có thể bước vào thế giới tâm hồn bí mật của thi nhân. Và dường như cho dù là Thơ mới, hay xuyên suốt lịch sử sau này, chỉ cần trái tim còn chung nhịp đập, chỉ cần điệu hồn gặp những hồn đồng điệu, cánh cửa nơi thế giới ấy vẫn rộng mở chào đón những kẻ “đồng sáng tạo” của mình.
Người nghệ sĩ thâm nhập vào cuộc đời, vẽ nên thế giới bằng ngòi bút của riêng mình, nhưng cũng là để người đọc tìm đường vào thế giới “không chỉ của riêng” ấy, đi tìm câu trả lời thực sự. Với “Người còn sót lại của Rừng Cười”, Võ Thị Hảo chỉ viết về một nữ thanh niên xung phong hậu chiến, nhưng cũng đủ để ta hiểu chiến tranh đã để lại một nỗi đau lớn đến nhường nào. Hậu chiến, người con gái ấy xa lạ với cuộc sống này ngay cả trong mơ. Cô chỉ có hai loại giấc mơ: thời thơ ấu và thời thanh xuân. Nhưng thời thanh xuân ấy không phải mộng đẹp thiếu nữ, chỉ có tiếng cười man rợ trong Rừng, chỉ có lửa cháy và khói bom, chỉ có đồng đội lần lượt rời đi… “Giấc mơ của họ khác xa với giấc mơ của đồng đội cô hồi còn sống.” Họ mơ, nhưng đôi má ửng hồng và miệng mỉm cười thanh thản. Chính cô cũng biết, mình không bao giờ nhập cuộc vào cuộc sống những nữ sinh kia được nữa. Tác phẩm đã nói hộ tiếng lòng không chỉ của Thảo - cô gái ấy, mà còn là của cả một thế hệ nữ thanh niên một thời. Nếu không bước vào thế giới ấy, làm sao ta hiểu được lịch sử hào hùng của một dân tộc anh dũng, làm sao ta trân trọng từng thước đất mà một lớp người đã không tiếc tuổi trẻ để giành về?
Những năm 30-45 giao hoà đầy biến động, những năm tháng chiến tranh khốc liệt gian nan, nhưng khi hoà bình lập lại, văn chương vẫn nhìn về những góc khuất của hoà bình, vẫn tiếp tục vẽ nên thế giới mà tất thảy mọi người đều cần biết, rung lên hồi chuông thức tỉnh để nhìn thấy hiện thực cuộc đời.
Đó là thế giới về cuộc đời quẩn quanh của những người dân nghèo vùng biển, bị bạo lực, nghèo đói, lạc hậu vây lấy không thể thoát ra mà nhà văn Nguyễn Minh Châu đã thể hiện đặc sắc trong “Chiếc thuyền ngoài xa”. Cuộc sống mưu sinh trên biển bấp bênh, rồi “đẻ nhiều, thuyền lại chật” ... Cái đói nghèo vây bủa, có khi biển động hàng tháng “cả nhà vợ chồng con cái toàn ăn cây xương rồng luộc chấm muối”. Và thật đau đớn thay cho những con người lấy nỗi đau này để giải toả nỗi đau khác: “Bất kể lúc nào thấy khổ quá là lão xách tôi ra đánh”. Cứ vậy, cuộc sống của gia đình hàng chài ấy lại quẩn quanh với bạo lực, với đói nghèo, thất học và lạc hậu. Và cứ thế, “ba ngày một trận nhẹ năm ngày một trận nặng”, những trận đòn dã man cứ trút xuống người chị. Nếu không bước vào thế giới kia, ai sẽ cho ta câu trả lời, ai sẽ viết dấu chấm hết cho cái vòng luẩn quẩn đầy đớn đau ấy?
Chẳng phải đó là vì “mỗi nhà văn sáng tạo ra một thế giới của riêng mình nhưng lại không chỉ cho riêng mình” hay sao?
ST